Có thể dám chắc rằng, ngay khi đứng trong đường hầm sân Lebak Bulus, các cầu thủ U23 Việt Nam đã có một cảm giác e ngại khi đứng trước đối thủ. Cảm giác đó cũng xuất hiện ở người hâm mộ Việt Nam khi 2 đội ra sân. Thậm chí, là cả những biểu hiện sợ hãi. Sự lo sợ đó, quả thực, đã đeo bám và trở thành gánh nặng đối với U23 Việt Nam trong khoảng 20 phút đầu tiên của trận đấu.
Với thể hình, thể lực vượt trội, U23 Đông Timor khiến người ta tin là họ sẽ mang đến cho đội bóng được đánh giá cao hơn một trận đấu không dễ như mong đợi. Trong nửa hiệp đấu đầu tiên, có cảm giác, U23 Việt Nam phải đối mặt với một đội bóng có sự kết hợp giữa Nam Mỹ và châu Phi, cũng những cái tên rất… Brazil, chứ không phải là Đông Timor nhỏ bé ở khu vực Đông Nam Á nữa.
Lối chơi áp sát, chịu va chạm đã đẩy các cầu thủ U23 Việt Nam ra khá xa khung thành của thủ môn Cesario. Trong giai đoạn ấy, những gì đã thấy ở 2 trận đấu với U23 Philippines và U23 Myanmar lại một lần nữa tái hiện trong các học trò của HLV Falko Goetz. Bế tắc, yếu thế, thiếu mạch lạc… tất cả những pha tạt bóng, dứt điểm đều chỉ như trả bóng cho đối phương. Khi những Thành Lương, Trọng Hoàng và các cầu thủ tấn công còn chưa biết bắt đầu từ đâu để tìm hướng giải bài toán khó thì thật bất ngờ, chính đối thủ lại tự dâng “chiếc chìa khóa vàng”. Tiền đạo Murillo Almeida – cầu thủ nguy hiểm nhất của U23 Đông Timor và đồng thời là mối đe dọa lớn nhất với U23 Việt Nam, nhận thẻ đỏ trực tiếp ở phút 24 vì tình huống vung tay vào mặt Ngọc Anh.
Lại là một trận đấu U23 Việt Nam được chơi hơn người, thậm chí còn sớm hơn so với trận gặp U23 Myanmar, lập tức, sẽ rất nhiều người nhớ lại những gì đã xảy ra cách đây vài ngày: sự bế tắc trước hàng thủ dày đặc của đối phương.
Mặc dù vậy, U23 Đông Timor, với những cầu thủ có thể hình tốt, đã không chọn cách phòng ngự chủ động như U23 Myanmar đã làm. Với đa phần cầu thủ có dòng máu Brazil trong người, phòng ngự không phải là chủ trương. HLV Antonio Viera cũng không có biểu hiện về phương án kéo thấp đội hình vì đơn giản, ông cũng là người Brazil.
Chỉ có điều, đây không phải là Brazil đủ “xịn” để thi đấu 10 người mà không hề lép vế trước 11. Họ còn tổ chức tấn công khi hiệp 2 bắt đầu để trận đấu bắt đầu “mở”. Tấn công nghĩa là hàng thủ cũng dâng lên, cũng nghĩa là U23 Việt Nam không phải đối mặt với hàng thủ đá thấp nữa. Khoảng trống đã lộ. Vấn đề còn lại là thời điểm và sự chính xác.
Phút 51, đường chuyền dài của Văn Hoàn đã loại bỏ hàng phòng ngự đội bóng áo trắng, để Trọng Hoàng lập công, dù phải cần đến 2 lần dứt điểm.
Có thể hiểu vì sao giới chuyên môn nói rằng, việc giải phóng sức ép tâm lý lại quan trọng đến vậy. Với bàn mở tỷ số, đối thủ lại không thay đổi cách chơi, những pha phối hợp mà các học trò của Falko Goetz thực hiện đã “nhuyễn” hơn để mở toang cánh cửa vào khung thành. Hơn 10 phút sau bàn thắng đầu tiên, hậu vệ Văn Hoàn đánh dấu một trận đấu ấn tượng của mình với pha lên tham gia tấn công, phối hợp và dứt điểm… tốt hơn cả tiền đạo.
Chuyện còn lại chỉ là màn “tô vẽ” của U23 Việt Nam bằng những pha phối hợp đẹp, dù không có thêm bàn thắng nào.
Phải đứng thứ 2 sau U23 Myanmar vì kém hơn hiệu số (2 đội cùng 7 điểm), nhưng U23 Việt Nam đã thấy bóng dáng của vòng bán kết, bởi 2 đối thủ còn lại chỉ là U23 Brunei và U23 Lào.
A Hoàng