Nghe nói, anh chỉ... “đứng chân” phóng viên có 2 năm, nhưng bài viết thì ngồn ngộn?
Đúng là tôi chỉ làm phóng viên có 2 năm, ở báo Lao động & Xã hội. Ngày đó, tôi hăng lắm, mỗi lần đi công tác về thì đều có sản phẩm tin, bài, có khi đi một chuyến, về viết 5-6 bài, Nhưng mà, 2 năm thì làm gì có được ngồn ngộn bài?
Có người bật mí “anh khóa hòm nhiều chồng bản thảo những bài viết tay, đánh máy chữ, đã được đăng tải trên nhiều báo”?
Chẳng phải chỉ 2 năm làm phóng viên tôi mới viết đâu. Từ hồi còn là sinh viên (vào nghề rất muộn-PV), tôi đã viết khỏe cho nhiều báo. Mình mê nghề là một nhẽ, song vất vả vì đường mưu sinh. Bởi ngày tôi vào học đại học, cậu con trai đầu mới 8 tháng tuổi…
Rồi sao anh cứ làm mãi chân phụ trách “bếp núc”, chẳng hay do không còn hứng thú đi (làm phóng viên), hay do tuổi tác?
Vế sau thì đúng. Còn vế đầu, nó có những nguyên do. Năm 2000, báo Lao động & Xã hội “giải phóng” các trưởng ban lẫn phóng viên khiến mỗi người một nơi. Tôi may mắn được một sếp nhận vào làm Trưởng ban Thư ký-Biên tập. Thế là “bám rễ” từ đó.
Còn những giải thưởng báo chí thì sao, anh đã viết trong bối cảnh nào?
Với tôi, nghề báo là “sinh nghề tử nghệ” nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi cũng không nề hà vất vả-viết và viết. Cứ viết thôi…
Đương nhiên, ngoài công việc “bếp núc”, tôi cũng dành nhiều thời gian nghiền ngẫm, tìm tòi thông tin-tham gia các cuộc thi. Tôi luôn tâm niệm, mỗi một bài báo, dù là thuần túy đăng báo cho đến các bài tham gia dự thi, đều phải nghiêm túc với sản phẩm của mình. Viết xong 1 bài rồi, còn phải tư duy chán ra, soát và sửa đi sửa lại nhiều lần để làm sao khi gửi đăng báo, các đồng nghiệp gần như không mất công sửa (biên tập), dù chỉ là một dấu phẩy.
“Các đồng nghiệp gần như không mất công sửa (biên tập), dù chỉ là một dấu phẩy”, ý anh là…?
Có mẩu chuyện vui trong làng báo mà tôi “nghe lỏm” được thế này: Lúc đó, đã khuya, PV một tờ báo nhận được cú điện thoại của trưởng ban “cậu lên TS ngay!”. Vội vã phóng xe lên cơ quan, vào gặp trưởng ban thì phóng viên nhận được “lời phê”: Bài viết của cậu thiếu một dấu phẩy!…
Tôi biết một tạp chí lớn. Theo đó, bài viết của biên tập viên, theo trình tự được chuyển trưởng phòng biên tập; sau đó, trưởng phòng ký tên chuyển phó tổng biên tập, lại biên tập. Chưa hết, khi chuyển lên tổng biên tập, còn phải biêp tập lần cuối…
Nói như thế là để thấy sản phẩm báo chí mang tính tập thể rất cao, bài viết cần phải được trau chuốt, kỹ lưỡng như thế nào… trước khi đưa đi in.
Giờ đây, không ít tờ báo, các phóng viên viết rất kém cỏi, thiếu tinh thần trách nhiệm; biên tập viên biên tập ẩu, quáng quàng, khiến bạn đọc thất vọng. Báo giấy đã luộm thuộm, báo mạng còn cẩu thả hơn: Sai sót quá nhiều! Điều quan trọng là người đứng đầu, cán bộ trưởng ban thư ký-biên tập, trình độ cũng như nhận thức tới mức nào?
Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, anh có chia sẻ gì với Báo CCB Việt Nam?
Báo CCB Việt Nam là một tờ báo có uy tín trong làng báo Việt Nam. Dẫu chưa có bề dày so với một số tờ báo khác, song những năm qua, tờ báo đã thể hiện rõ bản lĩnh, vai trò và trách nhiệm của mình đối với sự phát triển và hội nhập của đất nước, cộng đồng-nhất là với những hội viên Hội CCB Việt Nam. Theo thời gian, nhu cầu thông tin của công chúng ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng thông tin ngày càng cao. Các thế hệ làm Báo CCB Việt Nam luôn xác định rõ phải vượt lên chính mình để phục vụ bạn đọc tốt nhất, đảm bảo chất lượng thông tin ở mức cao nhất…
Nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi tới tập thể Ban Biên tập, các cán bộ, phóng viên, biên tập viên… Báo CCB Việt Nam những lời chúc tốt đẹp, may mắn và thành công!
Trân trọng cảm ơn nhà báo Xuân Phong!
Doanh Chính (Thực hiện)