Ông Lula da Silva (đứng giữa) mừng chiến thắng với những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố, ngày 30-10.

Cựu tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva đã trở lại vũ đài chính trị sau chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử vòng hai Tổng thống Brazil ngày 30-10. Sự trở lại của ông Lula đã tạo ra cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất trên chính trường Brazil trong gần 40 năm qua. Nó đánh dấu sự trở lại của phong trào cánh Tả ở quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ đồng thời mở ra một giai đoạn mới cho Brazil sau 4 năm chìm trong mâu thuẫn chính trị và xã hội sâu sắc.

Lula đã là một cái tên quen thuộc ở Brazil trong khoảng 3 thập niên. Sau khi giữ vai trò là người đứng đầu tổ chức Công đoàn của công nhân ngành thép ở Sao Paulo vào những năm 1970, ông giúp thành lập Đảng Lao động cánh tả và giành được nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình năm 2002. Hai nhiệm kỳ của ông là thời kỳ khởi sắc ấn tượng của Brazil: giá trị hàng hóa của Brazil gia tăng và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng lên đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Vận may này đã giúp mang lại ngân sách để mở rộng các chương trình xã hội, bao gồm cả chương trình “Bolsa Família” - chuyển tiền mặt trực tiếp cho các gia đình có thu nhập thấp để đổi lấy việc đảm bảo trẻ em được đi học, qua đó củng cố tiếng tăm của Lula trong tầng lớp nghèo ở Brazil. Ông rời nhiệm sở vào năm 2010 với tỷ lệ ủng hộ lên đến 83%.

Thế nhưng, mọi rắc rối với ông lại xảy ra khi ông không cầm quyền, một phần cũng bởi chính uy tín chính trị của ông. Năm 2017, ông bị cáo buộc liên quan tới một âm mưu tham nhũng lớn mà các nhà điều tra khi đó cho rằng đã bén rễ khi ông đang cầm quyền. Lula đã bị kết án gần 10 năm tù vì tội nhận hối lộ một căn hộ hạng sang - một cáo buộc mà ông luôn bác bỏ, cho rằng đó là một cuộc tấn công có động cơ chính trị

Công lý đã sáng tỏ khi năm 2021, Tòa án Tối cao Brazil bác bỏ bản án đối với Lula, nói rằng quyền được xét xử công bằng của ông đã bị xâm phạm - một phán quyết sau đó được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhất trí, qua đó cho phép ông được tái tranh cử và đối đầu với Tổng thống đương nhiệm Jair  Bolsonaro trong cuộc bầu cử năm nay. Tuy nhiên, người dân Brazil vẫn bị chia rẽ sâu sắc về việc Lula có tội hay vô tội. Theo một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 9, khoảng 44% cử tri vẫn tin rằng Lula đã bị kết án đúng, trong khi 40% tin rằng ông đã bị oan.

Thế nhưng, thăm dò dư luận vẫn chỉ là kết quả dự đoán chứ không phải thực tế. Kết quả bầu cử được công bố tối 30-10 theo giờ địa phương cho thấy ông Lula đã giành chiến thắng sít sao với 50,9% số phiếu bầu, so với 49,1% của ông Bolsonaro - Tổng thống đương nhiệm duy nhất trong 40 năm qua của Brazil không tái đắc cử. Phát biểu mừng chiến thắng, ông Lula tuyên bố: “Hôm nay, người chiến thắng duy nhất là người dân Brazil... Đây là chiến thắng của một phong trào dân chủ trước các đảng phái chính trị, lợi ích cá nhân và các hệ tư tưởng... Bắt đầu từ ngày 1-1-2023, tôi sẽ điều hành đất nước của 215 triệu người Brazil... Chúng ta là một đất nước, một dân tộc, một quốc gia vĩ đại”.

Lula một lần nữa trở thành sự lựa chọn của người dân Brazil khi họ tin tưởng ông sẽ dẫn dắt đất nước tiếp tục phát triển một lần nữa. Trong khi đó, với thế giới bên ngoài, quan điểm và đường lối ngoại giao của ông Lula cho thấy ông là một nhà lãnh đạo cánh Tả thực thụ. Tổng thống Mỹ - Joe Biden chúc mừng ông và “Mong muốn được làm việc cùng nhau để tiếp tục hợp tác giữa hai nước chúng ta trong thời gian tới”, khi biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Time vào tháng 3-2022, ông Lula đã chỉ trích cả mình và Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky vì đã không đàm phán với Vladimir Putin của Nga trước khi chiến tranh nổ ra. Ông nói: “Ông Biden có thể bay đến Moscow để nói chuyện với Putin. Đây là thái độ mà bạn mong đợi từ một nhà lãnh đạo”.

Quan điểm đối ngoại của ông Lula là cứng rắn, nhưng phương Tây vẫn không thể buông hay gây khó cho Brazil bởi vị trí ngày càng quan trọng của quốc gia nằm ở khu vực mà Mỹ vốn coi là “sân sau” của mình. Thế nhưng, tuy có sự trở lại ngoạn mục, con đường phía trước của ông Lula không hề dễ dàng khi Brazil giờ đây cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về kinh tế, môi trường và ngoại giao.

         Thanh Huyền