Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, dịch vụ giá cả, Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng, CPI năm nay biến động tương đối khó dự báo, vì mức thông thường chỉ số CPI của cả nước có quan hệ khá chặt chẽ với chỉ số CPI của Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, mức tăng CPI tháng 5 của cả nước (0,27%) lại thấp hơn tương đối nhiều so với của Hà Nội (tăng 0,41%) và TP.HCM (tăng 0,48%).
Trong đó, CPI mặt hàng thực phẩm chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, mặc dù các loại dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều địa bàn; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,53%. CPI lương thực tiếp tục giảm 1,29% so với tháng trước, kéo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%.
CPI nhóm bưu chính viễn thông đã giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước. Những nhóm hàng tăng giá là nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 1,46% so với tháng trước đó. Đặc biệt, thép xây dựng, khoảng 2/3 kỳ tính CPI đầu tiên đã tăng khoảng 5%, tuy nhiên sau đó đã giảm đáng kể.
Chỉ số giá vàng và USD tháng 5 không song trùng về xu hướng. CPI mặt hàng vàng tăng 1,91% so với tháng trước; USD giảm 0,63%.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc mức tăng CPI duy trì liên tiếp ở mức thấp có tác động quan trọng từ điều hành của Chính phủ theo hướng ưu tiên tăng cường giám sát giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, lương thực… triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm về giá.
Chí Đức