Ở tất cả các mức so sánh khác, chỉ số giá tiêu dùng tháng này đều đã vượt lên trên các mốc dự báo trước đó: so với tháng 12/2010 đã tăng 9,64%, vượt xa mục tiêu 7% đặt ra hồi đầu năm nay và đã ở rất gần mức hai con số; so với cùng kỳ đã tăng 17,51%, trôi khỏi mốc dự báo đỉnh lạm phát 16% trong năm nay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được công bố mới đây. CPI bình quân 4 tháng đầu năm cũng đã tăng 13,95% so với cùng kỳ.

Một con số đáng chú ý khác, so với kỳ gốc năm 2009, CPI tháng này đã tăng 27,61%. Hiểu một cách đơn giản, cuối năm 2009 thu nhập 4 triệu đồng đã được gọi là “người có thu nhập cao” thì ở thời điểm này, giá trị tương đương phải là trên 5,1 triệu đồng, nếu tính thêm yếu tố lạm phát như nói ở trên.

Thể hiện trên các chỉ số chính, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này có CPI tăng khá cao tới 4,5% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 2,47%; thực phẩm tăng 5,61%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,31%. Riêng nhóm này đã có đóng góp vào mức tăng chung CPI tháng này tới 1,8%, đặc biệt là thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn.

CPI nhóm giao thông tháng 4/2011 tăng 6,04% so với tháng trước, đóng góp 0,54% vào mức tăng chung mà nguyên nhân chủ yếu là do chịu tác động từ 2 lần tăng giá xăng dầu rất cao thời gian gần đây. CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,38% trong tháng 4, đóng góp khoảng 0,44% vào chỉ số giá tháng này.

Không có nhóm nào chỉ số giá giảm, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng còn lại, chỉ có bưu chính viễn thông và giáo dục tăng nhẹ, 6 nhóm khác có mức tăng trên 1%, bao gồm: may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,63%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,38%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,31%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,03%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,01%...

Chỉ số giá vàng tháng 4/2011 đã giảm 1,2% so với tháng trước; tương tự chỉ số giá USD cũng giảm 1,61%.

Bảo Lâm