Đối chiếu với tháng 12/2009, chỉ số giá tháng 3 đã tăng 4,12%; so với cùng kỳ năm 2009 tăng 9,46%. CPI bình quân quý 1/2010 đã tăng 8,51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét xu hướng trong 12 tháng qua, CPI tháng này có mức tăng thấp hơn 3 tháng gần đây, là giai đoạn thị trường và xu hướng tiêu dùng gắn với Tết Nguyên đán (từ 0,36-1,96%). Tuy nhiên, mức tăng 0,75% của tháng 3 lại cao hơn 9 tháng còn lại, chỉ từ -0,17% đến 0,62%.

So với cùng kỳ các năm gần đây, CPI tháng này thấp hơn mức tăng 2,99% của tháng 3/2008, năm có lạm phát đặc biệt cao, tới 19,9%, nhưng lại cao hơn hầu hết các năm khác (CPI tháng 3/2009 giảm 0,17%; 2007 (-0,2%); 2006 (-0,5%); 2005 (+0,1%). Con số của tháng này xấp xỉ tháng cùng kỳ năm 2004, tăng 0,8%, là năm có lạm phát tới 9,5% cả năm. Việc CPI tháng này giảm tốc so với tháng trước cũng chưa hẳn đã là điều đáng mừng, bởi vì mức tăng 0,75% của tháng 3 đã so với mặt bằng giá khá cao trong dịp Tết Nguyên đán. Hơn nữa, CPI tăng liên tục 3 tháng đầu năm báo hiệu rủi ro lạm phát cao trong năm 2010.

Giả định chỉ số giá 3 tháng đầu năm bằng khoảng 50% cả năm, theo một số thành viên Chính phủ và chuyên gia kinh tế phát biểu gần đây, có thể cho rằng lạm phát cả năm 2010 sẽ vào khoảng 8%? Nếu kịch bản này xảy ra, lạm phát cả năm nay sẽ vượt mục tiêu phấn đấu của Chính phủ, kiềm chế dưới 7%.

Về nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá tháng 3 tăng cao như trên, một mặt đây là tháng có liên quan đến rằm tháng Giêng, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng và mặt bằng giá thường bị đẩy lên. Tuy nhiên, đây không phải tác nhân ảnh hưởng quá lớn.

Trong tháng qua, nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu chiến lược đã tăng giá bán đồng loạt, như xăng được điều chỉnh tăng 3,6% vào ngày 21/2, giá than (bán cho điện) tăng đến 47% tùy loại, giá điện tăng 6,8%, giá nước (Tp.HCM) tăng khoảng 50% đều áp dụng từ ngày 1/3. Tiếp theo còn phải kể đến gas, xi măng, sắt thép… cũng đã tăng giá trong tháng qua.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND cũng là nguyên nhân tác động đến giá một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu.

Trong khi đó, về nguyên nhân giúp kìm hãm chỉ số giá chỉ có mặt hàng dầu điều chỉnh giảm vào ngày 3/3, được cho là có thể giúp giảm giá tiêu dùng khoảng 0,053%, theo như tính toán của Bộ Tài chính.

Với việc CPI có thể còn tăng trong các tháng tới, chỉ số vĩ mô này sẽ ảnh hưởng đến chính sách lãi suất cơ bản, lãi suất thỏa thuận, tỷ giá VND/USD, cũng như thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư khác.

Kim Loan