Thực tế đây là mức giảm đã được đoán định trước khi Hà Nội và Tp.HCM, hai đầu tàu kinh tế của cả nước công bố chỉ số CPI trong tháng 6/2012 đều có mức giảm đáng kể, với mức giảm tương ứng 0,17% và 0,43%.
Với mức giảm này, so với tháng 12/2011, CPI cả nước đã tăng 2,52%, còn nếu tính chung sáu tháng đầu năm 2012, CPI cả nước đã tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2011 và như vậy, với mức lãi suất huy động đang ở trần 9% hiện tại, ở Việt Nam vẫn duy trì lãi suất thực dương.
Trong “rổ” hàng hóa tính CPI, tháng này 2 nhóm hàng hóa giao thông và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức giảm khá mạnh. Cụ thể, nhóm giao thông có mức giảm 1,64% và nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,21%. Nguyên nhân chính là do việc giảm giá mạnh giá xăng dầu vào đầu tháng 6/2012 và giá gas bán lẻ đã tác động mạnh đến chỉ số giá 2 nhóm hàng này.
Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống- nhóm hàng hóa có tác động mạnh mẽ nhất tới đời sống của người dân cũng giảm nhẹ 0,23% so với tháng trước, trong đó, nhóm lương thực giảm 0,78%, nhóm thực phẩm giảm 0,31%. Riêng nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ 0,6%.
Ngoài những biến động mạnh và của các nhóm có quyền số lớn như trên, các nhóm còn lại biến động tăng giảm nhẹ dưới 1%.
Một số nhóm hàng hóa khác cũng nằm trong danh sách giảm đáng kể như: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,21%, bưu chính viễn thông giảm 0,02%, văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,27%...
Trong tháng 6, chỉ số giá vàng cũng đã giảm 2,03%, chỉ số giá USD tăng 0,2%. Chiều ngược lại, có khá nhiều nhóm hàng hóa diễn biến tăng, nhưng chủ yếu là tăng nhẹ, cụ thể như: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,62%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,46%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,46%, giáo dục tăng 0,1%...
Với mức giảm ấn tượng, theo các chuyên gia đây là diễn biến tốt khi tình trạng lạm phát đang giảm dần. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trong tình hình hiện nay là tồn kho tăng cao, nguồn vốn khó khăn, doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất… đang là những thách thức lớn có ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước, do đó, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của các cơ quan chức năng và toàn xã hội trong việc triển khai các giải pháp kích cầu, giảm hàng tồn kho, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển. Bảo Lâm