Tháng 2-1975, Trịnh Xuân Lâm, người anh cả của 11 em trong gia đình lên đường nhập ngũ, vinh dự được tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Trên đường tiến vào Sài Gòn, ngày 26-4-1975, anh bị thương. Năm 1977, thương binh Trịnh Xuân Lâm trở về nhà với hai bàn tay trắng, học vấn chỉ vẹn vẹn có hết lớp ba trường làng. Phẩm chất người lính đã khiến anh được bà con tín nhiệm và bầu làm chủ nhiệm HTX. Muốn làm tốt công tác, cần phải học tập. 10 năm công tác anh đã hoàn thành chương trình phổ thông và cũng thu được vô vàn kiến thức từ cuộc sống bươn chải. ý chí làm giầu, quyết tâm vượt ra khỏi luỹ tre làng luôn luôn nung nấu trong anh. Năm 1989, anh chuyển vợ và 5 con lên thị xã Bỉm Sơn để tìm con đường mới. Vật lộn với cuộc sống, đầu tiên, anh mua xi măng rơi vãi thu nhặt trong Nhà máy xi măng Bỉm Sơn đem đóng gạch, thu mua sắt thép vụn lên Thái Nguyên bán. Tích trữ dần, đến năm 1995, nhờ học hỏi, biết Luật Doanh nghiệp nên Trịnh Xuân Lâm quyết thành lập công ty. Công ty Tiên Sơn của anh là doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên của Bỉm Sơn. Trong tên công ty chữ Tiên có nghĩa là đầu tiên. Chức năng của công ty lúc đó vẫn là thu mua phế liệu. Khi đó, ở Bỉm Sơn, mọi người ta đã gán cho anh cái biệt danh: “Ông phế liệu” bởi khó có người vượt qua anh trong nghề này.
**Trụ vững và phát triển **
Cùng nhập ngũ với Trịnh Xuân Lâm ở Hà Trung, Thanh Hoá có tới gần 500 người. Thời chưa có kế hoạch dân số, ai cũng đông con, hiện số con cháu đồng đội lên tới vài nghìn. Một trăn trở của anh Lâm chính là làm cái gì để thu hút, tạo công ăn việc làm cho các con em đồng đội. Năm 2000, Tiên Sơn chuyển hướng, bước vào sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu từ gỗ, mùn cưa phế liệu... Chỉ trong vòng 3 năm, số công nhân lên tới hơn 400 người. Vốn đầu tư của công ty đã lên tới 2 con số hàng tỷ. Vẫn chưa hài lòng, năm 2005, chi nhánh Công ty may 40 Hà Nội tại Bỉm Sơn làm ăn thua lỗ muốn bán công ty. Dù đây là lĩnh vực mới, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng với quyết tâm của người lính, sự nhạy bén của doanh nhân, anh Lâm bỏ 4,5 tỷ đồng ra mua cả công ty cùng quyết tâm duy trì sản xuất cho hơn 200 công nhân cũ. Mở đầu, anh nhận gia công may từ các cơ sở khác. Có sản phẩm, anh nhận 15.000 đồng gia công, về khoán lại cho công nhân 17.000 đồng/1 sản phẩm, chấp nhận lỗ 2.000 đồng chỉ để đảm bảo lương công nhân khoán không bị giảm, “có vậy mới giữ được thợ” - đó là bí quyết của anh trong những ngày đầu nhảy vào lĩnh vực mới. Trời không phụ người có quyết tâm. Uy tín hàng may của Tiên Sơn ngày càng cao. Sản xuất mở rộng. Hàng mỹ nghệ, may mặc của công ty có mặt cả ở Mỹ, Tây Âu và nhiều nước trên thế giới. Hiện Tiên Sơn đang có gần 1.000 công nhân, trong đó có 2/3 là con em các CCB, CQN trong vùng. Mức lương bình quân đạt 1,3 triệu đồng một người. Năm 2008, trong bối cảnh khó khăn suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp lao đao, nhưng Tiên Sơn vẫn trụ vững và phát triển khá. Giá trị sản xuất tăng gấp rưỡi so với năm 2007. Tổng giá trị xuất khẩu của công ty đạt gần 10 triệu USD, nộp ngân sách 110 triệu đồng. Con số này nhìn thì không lớn nhưng thực tế lại đem lại nhiều lợi ích cho người lao động bởi Tiên Sơn nhận may gia công tới 80%, doanh thu chủ yếu là công sản xuất.
**Mái nhà chung của mọi người **
Vũ Xuân Thành, một CQN có mặt tại xưởng may của công ty từ những ngày đầu tâm sự: “Công ty thực sự là mái nhà chung của mọi người ở đây”. Sự quan tâm đến người lao động của Trịnh Xuân Lâm là một trong những nguyên nhân khiến mọi công nhân đều gắn bó với công ty. Hơn 600 công nhân làm việc ở đây đủ điều kiện đều được đóng bảo hiểm xã hội. Các tổ chức đoàn thể đảm bảo quyền lợi cho người lao động như Công đoàn, đoàn thanh niên...đều được tạo điều kiện hoạt động. Một công ty ngoài quốc doanh mà cơ sở khang trang sạch đẹp, có trạm xá chăm sóc sức khoẻ công nhân, có nhà văn hoá, nhà nội trú với mức phí chỉ 50.000 đồng/tháng/người. Ngoài lương, công nhân được ăn trưa miễn phí. Có lẽ điều này không nhiều doanh nghiệp có được.
Giám đốc, công nhân gắn kết một lòng như vậy nên không có gì lạ khi Tiên Sơn có hàng chục huy chương vàng sản phẩm, hai lần cúp “Sao vàng đất Việt” và năm 2008 đã được vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba.
Quang Vinh