Công ty CP cảng Vũng Áng Việt-Lào có 7 đơn vị trực thuộc, chủ yếu kinh doanh trong các lĩnh vực như: xếp dỡ, khai thác và dịch vụ cảng biển, kinh doanh vận tải đường biển trong và ngoài nước, cung ứng đại lý và môi giới thuê tàu biển, nhập khẩu vật tư, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ lai dắt, cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền... Hiện nay, công ty có trên 218 CBCNV, trong đó hầu hết đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, có lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong những năm qua, tập thể CBCNV trong toàn doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để xây dựng công ty ngày càng vững mạnh toàn diện về mọi mặt và cùng đồng hành để vươn ra biển lớn.
Nhằm đạt được mục tiêu to lớn đó, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh cùng các ngành chức năng và doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cải tạo, nâng cấp cầu số 1 từ chỗ cho phép tiếp nhận tàu 15.000 DWT lên 45.000 DWT ra vào làm hàng; hoàn thành thử nghiệm và thực hiện chương trình cho phép tàu tải trọng lớn cập, rời cảng Vũng Áng 24/24 giờ trong ngày... nên đã bảo đảm hoạt động sản xuất bình thường, an toàn, hiệu quả của cảng; giải quyết được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng ngày càng vượt trội. Năm 2013, với khối lượng hàng hóa đạt hơn 220% công suất thiết kế (bến số 1 và 2 cảng Vũng Áng có tổng công suất thiết kế 1,32 triệu tấn hàng hóa/năm)...
Cùng với tốc độ phát triển nhanh ở Khu kinh tế Vũng Áng, dự báo các năm tới, khối lượng hàng hóa qua cảng Vũng Áng khoảng từ 3-4 triệu tấn. Sau khi cầu Hữu Nghị 3 nối liền 19 tỉnh Đông Bắc Thái Lan với Lào về cảng Vũng Áng, nên dự kiến hàng hóa qua cảng sau năm 2015 sẽ là 5-7 triệu tấn/năm... Do đó, với thực trạng hiện nay, cảng Vũng Áng sẽ không đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông quan và nảy sinh nhiều vấn đề liên quan. Đề nghị Cục Hàng hải cùng các bộ, ngành liên quan cần sớm thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh (tại Thông báo số 136/TB-VPCP ngày 30-8-2006 của Văn phòng Chính phủ) cùng Quyết định số 2443 ngày 13-11-2006 của Bộ GTVT cho phép tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng bến số 3... nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, khu vực và hợp tác với nước bạn Lào, Thái Lan. Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh cùng doanh nghiệp khai thác cảng cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, mở rộng kho bãi, bến công ten nơ, khu dịch vụ hậu cảng.
Giám đốc Dương Thế Cường cho biết: Cầu (bến) số 1 và 2 cảng Vũng Áng có tổng công suất thiết kế hơn 1,32 triệu tấn hàng hóa/năm, lần lượt đưa vào hoạt động năm 2001 và 2010. Kể từ năm 2005 tới nay, nhất là khi Khu kinh tế Vũng Áng sôi động cùng với việc lãnh đạo Công ty CP cảng Vũng Áng Việt-Lào năng động sang tận nước bạn Lào để vời hàng về thì cảng luôn nhộn nhịp, lượng hàng thông quan cảng tăng nhanh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ năm 2010 đến nay, cảng Vũng Áng luôn trong tình trạng quá tải, vượt công suất thiết kế cầu cảng. Đến nay, hai cầu cảng này đã đón hơn 7.500 lượt tàu (trong đó nhiều tàu có tải trọng 45.000 DWT), hơn 11,5 triệu tấn hàng hóa. Riêng năm 2013, khối lượng hàng hóa thông quan cảng đã đạt hơn 2,8 triệu tấn, bằng 2,2 lần công suất thiết kế cầu cảng. Vì vậy, việc khẩn trương xây dựng bến cảng số 3, tiến tới phát triển thêm các bến số 4, 5, nhất định cảng Vũng Áng sẽ sớm đáp ứng được nhu cầu rất lớn hiện nay cho các bạn hàng. Được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành có liên quan từ T.Ư đến địa phương, công ty sẽ vững vàng vượt qua khó khăn, vươn ra biển lớn...
Bài và ảnh:
Anh Thi-Tôn Đức