Việc công bố này nhằm giúp các thế hệ sau hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện cho các dân tộc, quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, một đất nước có nền văn hóa đa dạng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, cung cấp tư liệu chính xác, phục vụ công tác nghiên cứu sáng tác trên các lĩnh vực của nền văn hóa văn nghệ dân tộc cổ truyền như: Tri thức sản xuất, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật...
Cũng như bổ sung vào hệ thống tài liệu, sách giáo khoa dùng cho nhà trường những tác phẩm quý giá để tham khảo và góp phần làm phong phú cho hệ thống giảng dạy.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án nêu trên, trong đó quy định rõ tiêu chí lựa chọn các sản phẩm/công trình để công bố phải là tác phẩm/công trình giới thiệu về văn hóa văn nghệ dân gian của 54 tộc người hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Các tác phẩm/công trình được công bố có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống văn hóa xã hội ở các địa phương, vùng miền, tộc người, có nội dung phù hợp với phong tục tập quán của tộc người nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và tuân thủ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam;...
Theo kế hoạch, từ 2013 - 2014, sẽ tập trung triển khai công tác hệ thống hóa bản thảo, tiến hành tuyển chọn, biên tập và công bố 550 tác phẩm/công trình; năm 2015 - 2016, tiếp tục bổ sung, chọn lựa, biên tập, hoàn thiện và công bố 700 tác phẩm/công trình.
Năm 2017, ngoài nhiệm vụ công bố 250 tác phẩm/công trình sẽ thực hiện các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành dự án và công bố ấn phẩm; kiểm tra, đánh giá, tổng kết hiệu quả của Dự án.
Thủ tướng giao Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam làm đầu mối tổ chức thực hiện Dự án giai đoạn II (2013 - 2017).
Bảo Lâm