
Tổng thống Mỹ - Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng tại Nhà Trắng, ngày 2-4-2025.
Quyết định của Tổng thống Mỹ - Donald Trump công bố các mức thuế quan rất nặng nhằm vào hơn 180 nước và vùng lãnh thổ đang tạo “cơn địa chấn” toàn cầu.
Sau bài phát biểu dài tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng, ông Trump đã ký một sắc lệnh thiết lập “thuế quan đối ứng” đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ với mức tương đương với thuế suất mà Washington cho rằng các đối tác thương mại áp dụng. Những mức thuế này cũng nhằm đáp trả điều mà Mỹ cáo buộc là các “rào cản phi thuế quan” đối với hàng hoá Mỹ, chẳng hạn như các tiêu chuẩn vệ sinh hoặc môi trường,
Kể từ khi quay lại Nhà Trắng, ông Trump luôn coi thuế quan là “cây đũa thần” có khả năng giúp tái công nghiệp hoá nước Mỹ, thu hút đầu tư và đẩy mạnh sản xuất ở trong nước, lấy lại cân bằng trong cán cân thương mại và giảm thâm hụt ngân sách. Thế nhưng, thuế đối ứng mà ông Trump mô tả là theo nguyên tắc “có đi có lại một cách lịch sự” đang khiến các nước ngỡ ngàng. Nó cao đến mức chưa từng thấy kể từ Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930, đạo luật đã kích động một cuộc chiến thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm cuộc đại suy thoái.
Với các quốc gia bị coi là “thù địch thương mại” như Trung Quốc, mức thuế 34% không phải là điều bất ngờ. Nhưng để “giải phóng” nước Mỹ khỏi hàng hóa của nước ngoài, Washington không hề nương tay cả với các đồng minh cốt lõi của mình, như Nhật Bản (24%), Hàn Quốc (25%), Đài Loan (32%) và 20% với Liên minh châu Âu (EU). Ngay với Ấn Độ - đối tác đã rất nhún nhường khi kiên trì bám trụ ở Washington đàm phán đến giờ chót, mức thuế mà ông Trump đưa ra cũng không hề dễ chịu chút nào (26%). Kỳ lạ hơn, một quốc gia thuộc nhóm nghèo nhất thế giới như Ethiopia, không biết có gì để xuất khẩu sang Mỹ, cũng bị đánh thuế 10%.
Tất nhiên, ông Trump có mối lo riêng. Trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu hơn 3,2 nghìn tỷ USD hàng của thế giới, nhưng thâm hụt của Mỹ lên tới 1,2 nghìn tỷ USD. Con số lớn chưa từng có kể trên khiến ông Trump không hài lòng. Trong khi đó, nợ công của Mỹ đã vượt mốc 36 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái, tương đương 123% tổng sản phẩm trong nước (GDP), cao gần gấp 3 lần so với con số 46% vào năm 1992 và là mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
Xây “bức tường thành” thuế quan để bảo vệ thị trường nội địa, ông Trump hy vọng sẽ ngăn “cơn lũ” hàng ngoại tràn vào, thúc đẩy việc tái công nghiệp đất nước. Khi đặt bút ký sắc lệnh thuế quan đối ứng mà ông Trump gọi là “bản tuyên ngôn độc lập kinh tế”, ông tuyên bố: “Ngày 2-4 sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử đánh dấu sự hồi sinh của nền công nghiệp Mỹ, ngày mà nước Mỹ giành lại quyền định đoạt về tương lai, ngày mà nước Mỹ thịnh vượng trở lại, chấm dứt hiện tượng người nước ngoài, những kẻ lừa bịp, những con kền kền rút ruột các nhà máy của Mỹ và đập vỡ giấc mơ Mỹ”.
Nhiều mục tiêu mà ông Trump đặt vào sắc lệnh này. Với Trung Quốc, cuộc chiến thuế quan của ông Trump sẽ đánh vào cốt lõi của 2 chiến lược chính từ các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm giảm tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ: Chuyển dịch một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài và tăng doanh số bán hàng cho các thị trường ngoài Mỹ.
Với châu Âu, cuộc chiến thuế quan này sẽ là một đòn bẩy để ông Trump gây sức ép đối với các doanh nghiệp châu Âu, buộc họ nhanh chóng chấp nhận chính sách “Nước Mỹ trước hết” trên bình diện công nghiệp, tài chính và năng lượng. Công cụ thuế này sẽ “đánh gục” tất cả chuẩn mực và quy định của châu Âu nhằm cản trở xuất khẩu Mỹ trong một số lĩnh vực, cũng như ngăn cản Mỹ thâm nhập thị trường dịch vụ tài chính hay công nghệ, dù là công nghệ quân sự, không gian hay kỹ thuật số.
Cuối cùng, ông Trump hy vọng nền công nghiệp Mỹ sẽ lấy lại vị thế hàng đầu thế giới trong tất cả các lĩnh vực như nước này hiện đang có trong các ngành công nghệ, dược phẩm và năng lượng trước cả đối thủ như Trung Quốc, lẫn đối tác như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Đó chính là con đường đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại” như tham vọng của ông Trump.
Quyết định của ông Trump áp thuế lên gần như toàn bộ đối tác thương mại của Mỹ đang gây sự phản ứng trên toàn cầu. Hầu hết các nước trên thế giới đều lên tiếng phản đối, tỏ “lấy làm tiếc” hay đánh giá là “bất công”, “sai lầm lớn”. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu về một cuộc chiến thương mại toàn diện ngay lập tức. Bởi vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đối tác thương mại quan trọng nên các nước đều kiềm chế, cố gắng cân bằng giữa việc bảo vệ lợi ích kinh tế và tránh leo thang căng thẳng với Washington. Ai cũng hiểu là mục đích của Washington là gây sức ép để buộc các nước phải có thỏa hiệp thông qua đàm phán song phương.
Hiện nhiều nước đã cử đoàn sang Washington để đàm phán nhằm tránh những “cơn dư trấn” trong thời gian tới.
Tiến Thành