Ảnh minh hoạ.
Hàng nghìn lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm thẳng vào Nga kể từ khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Chỉ riêng Mỹ đã áp đặt 1.000 lệnh trừng phạt đối với các cấu trúc và pháp nhân Nga. Tất nhiên, các lệnh trừng phạt này đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga và ở chiều ngược lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới, điều mà tới giờ ai cũng có thể cảm nhận được.
Thế nhưng, khi đứng đầu danh sách các nước trừng phạt kinh tế Nga, chính Mỹ cũng bị ngấm đòn khi các lệnh trừng phạt lại là con dao hai lưỡi tác động tiêu cực tới kinh tế của Mỹ. Lệnh cấm thì đã được ban ra, công khai rút lại thì xấu hổ, thế nên để lợi cho mình Mỹ đành âm thầm gỡ bí để lo cái lợi cho mình.
Tới nay, Nhà Trắng lo ngại rằng các lệnh trừng phạt chống lại Nga gây ra nhiều thiệt hại về tài sản thế chấp cho cả nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế thế giới hơn mức dự đoán ban đầu. Theo Bloomberg, các hạn chế đối với Moscow dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, không có khả năng đảm bảo nguồn cung ngũ cốc và nhiều tác động tiêu cực khác. Thế nên, các lĩnh vực nông nghiệp, y học và viễn thông được đưa ra khỏi danh sách trừng phạt.Washington bắt đầu khuyến khích các công ty nông nghiệp và vận tải mua càng nhiều phân bón của Nga càng tốt.
Các lệnh trừng phạt giờ lại trở thành lưỡi dao khía vào nền kinh tế Mỹ mỗi ngày. Người Mỹ đã hấp tấp, không tính toán kỹ, hoặc không lường trước được hậu quả mà chính nước Mỹ phải gánh chịu bởi có những tổn thất mà họ chẳng thể ngờ tới. Hãng tinBloomberg cho biết: Thiệt hại nghiêm trọng cũng có thể xảy đến đối với các quỹ hưu trí của Mỹ. Theo đó, Quỹ PIMCO với tài sản ước tính khoảng vài nghìn tỷ USD, thông báo cho Bộ Tài chính Mỹ rằng các quỹ hưu trí sẽ bị tổn hại nếu họ phải xoá bỏ các khoản đầu tư của Nga. Trong bối cảnh đó, Alfa - Bank thông báo rằng Mỹ đã cho phép các giao dịch năng lượng với ngân hàng này, cũng như với Ngân hàng T.Ư Nga, VEB, Otkritie, Sovcombank, Sberbank và VTB, bất chấp các lệnh trừng phạt.
Chính Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng các lệnh trừng phạt chống Nga đang quá nhiều. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - Adewale Adeyemo, tại một cuộc điều trần trước Quốc hội, đã xác nhận mối quan ngại của ông về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt quá mức đối với Nga. Thế nên, để giảm bớt thiệt hại cho mình, chính quyền Mỹ buộc phải bí mật thuyết phục các công ty đang sợ hãi để mua phân bón của Nga. Thực tế là, mặc dù Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã loại bỏ phân bón ra khỏi các lệnh trừng phạt, nhiều công ty vận tải, bảo hiểm và ngân hàng tránh tham gia giao dịch vì họ sợ “vô tình vi phạm quy tắc”. Kết quả là, nhà chức trách Mỹ “ngạc nhiên trước quy mô thận trọng của họ, nhận thấy mình ở một ví trí nghịch lý” và “đang cố gắng tìm cách tăng” nguồn cung cấp. Theo Bloomberg, tình hình hiện tại chứng tỏ “thách thức mà Washington và các đồng minh phải đối mặt trong nỗ lực gia tăng sức ép” đối với Moscow.
Hành vi của chính quyền Mỹ trong bối cảnh này rất thực dụng và hoàn toàn không có lý do gì để tự làm hại mình. Mỹ đã cố gắng giành được các lợi ích đơn phương từ tình hình hiện tại, hy vọng rằng cuộc chiến trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến Nga và EU.
Trong khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chưa dự báo được thời điểm kết thúc, thế giới đã phải đối mặt với lạm phát, giá nhiên liệu tăng phá vỡ mọi kỷ lục, thiếu lương thực trầm trọng… ngay sau hai năm suy kiệt vì Covid-19. Nay, những đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga lại làm gián đoạn chuỗi cung ứng, thay đổi quan hệ chính trị và kinh tế và đặc biệt gây tác động tiêu cực với chính các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt. Hậu quả đã hiển hiện và chỉ có Washington, chứ không phải EU hay bất kỳ quốc gia nào khác, biết cách và được phép điều chỉnh để thu lợi cho mình.
Thanh Huyền