Suốt những năm chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ là nơi trung chuyển người, vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam. Bao nhiêu bom đạn, chất độc hóa học từ máy bay, tàu chiến của địch đã ném xuống hủy diệt hòn đảo nhỏ bé này. Tuy nhiên, bằng niềm tin và ý chí, các LLVT trên đảo đã vượt mọi hi sinh, gian khổ chiến đấu hơn 1.000 trận lớn nhỏ, bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch… Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, đơn vị bộ đội đảo Cồn Cỏ hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào các năm 1967, 1970; được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và tặng hai câu thơ “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê kỳ!”, được tạc vào bia đá.
Gần 40 năm sau chiến tranh, cùng với sự phát triển của thiên nhiên và bàn tay lao động cần mẫn, sáng tạo của con người, Cồn Cỏ đã khoác lên mình “tấm áo mới” với bao đổi thay kỳ diệu. Sự chuyển biến ấy khởi đầu từ năm 2002, khi Tỉnh đoàn Quảng Trị xây dựng mô hình đảo Cồn Cỏ thành “Đảo thanh niên” được hình thành với 43 thanh niên của huyện Vĩnh Linh với lòng đầy nhiệt huyết đã xung phong ra Cồn Cỏ lập nghiệp. Họ đã vượt mọi khó khăn, gian khổ với nắng lửa, mưa dầm, phong ba, bão tố bám trụ giữa trùng khơi, vừa khai hoang trồng cây lương thực, thực phẩm, chăn nuôi đảm bảo cuộc sống, vừa sát cánh với đơn vị bộ đội trên đảo xây dựng các công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng (KTQP). Đặc biệt ngày 1-10-2004, Chính phủ ra Nghị định thành lập huyện đảo Cồn Cỏ (tách khỏi huyện Vĩnh Linh) mở ra một hướng mới trong phát triển KTXH và củng cố QPAN trên đảo tiền tiêu, nhằm xây dựng “Hòn đảo thép” thành “Hòn đảo ngọc”.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ - Lê Quang Lanh khẳng định: Đảo Cồn Cỏ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn, là nơi tập trung nhiều loại cây điển hình của rừng nhiệt đới và nơi hội tụ sinh sản của nhiều loại hải sản quý có giá trị kinh tế cao. Cồn Cỏ là vùng đất đỏ ba-zan nên thực vật trên đảo khá phong phú, rừng chiếm 3/4 diện tích tự nhiên, có nhiều loại cây lưu niên như dầu máu, bàng lá đỏ và rặng phong ba chạy dài ven biển che chắn, bảo vệ đảo ở nơi bão tố liên miên. Các giống cây ăn trái thì có đu đủ, chuối, bầu, bí cùng rau xanh, quanh năm cung cấp nguồn thực phẩm cho bộ đội và nhân dân.
Cùng với sự phát triển của thế giới thực vật, động vật, cảnh quan trên đảo được con người thường xuyên quan tâm xây dựng, cải tạo. Từ một hòn đảo bị bom đạn cày xới tan hoang, đến nay Cồn Cỏ đã hình thành những dãy nhà xây khang trang, nằm ven những con đường cấp phối, có các công trình phục vụ KTQP và dân sinh. Từ năm 2004 đến nay, huyện đảo đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng trồng mới 10ha rừng và xây dựng hoàn thiện “Làng thanh niên”, đài phát thanh, phòng truyền thống, Trung tâm bưu chính viễn thông, hệ thống điện mặt trời, tuyến đường nhựa dài 5km và bến cảng âu tàu. Mỗi năm âu tàu tiếp nhận và cung ứng dịch vụ nghề cá cho hơn 10.000 lượt tàu thuyền ghé đảo. Mới đây, Trường tiểu học Phong Ba được xây dựng với vốn đầu tư 5 tỷ đồng, đáp ứng việc học tập của con em trên đảo. Huyện đảo đang củng cố đội tàu công suất từ 350-400 CV đánh bắt cá xa bờ với sản lượng trên 250 tấn/năm và xây dựng tuyến vận tải nối đất liền bằng tàu cao tốc hiện đại, an toàn phục vụ du lịch. Hiện nay huyện đảo Cồn Cỏ có 130 hộ gia đình, hơn 500 người sinh sống bằng nhiều ngành nghề, tạo nên tỷ trọng cơ cấu kinh tế chung là xây dựng, tiểu thủ công nghiệp 50-55%; du lịch, dịch vụ 30-35%; thủy sản, nông nghiệp 10-15%.
Phát huy thành quả hơn 10 năm xây dựng, phát triển, cấp ủy, chính quyền huyện đảo Cồn Cỏ tiếp tục triển khai thực hiện đề án quy hoạch xây dựng đảo phát triển kinh tế-văn hóa, vững mạnh ANQP, chú trọng tôn tạo các di tích lịch sử, kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, làm cho “Viên ngọc xanh” đầy tiềm năng này là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương.
Bài và ảnh: Thành Viên