“Sống ở trên đời phải có một tấm lòng”, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “Sống nghèo một chút cũng được miễn là cái tâm thanh thản”... là những câu thơ, châm ngôn mà các thế hệ người Việt thường trao truyền cho nhau.
Chính vì thế mà các quan tham vẫn thường lạm dụng chữ “tâm” để rao giảng đạo đức hay bao biện cho những việc làm trái đạo của mình. Dân tình cả nước hiện đang xôn xao về chuyện một bà “quan to” thản nhiên công bố: “Trong gia đình tôi không có ai làm trong công ty này cả”. “Công ty này” mà bà chối bay, chối biến đó là một công ty vừa bị khởi tố do kinh doanh thuốc giả.
Báo chí và chính ông Tổng giám đốc công ty khẳng định em chồng của bà “quan to” kia là Phó tổng giám đốc công ty này. Trước tình huống này, bà “quan to” đành biện bạch: “Tôi nói gia đình không liên quan đến hoạt động của công ty đó vì thực tế Luật Phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lí, nên việc này là không vi phạm. Theo luật thì em chồng tham gia công ty nào đó là quyền cá nhân”…
Cũng theo lời bà, em chồng bà tham gia công ty kinh doanh thuốc giả kia chỉ 10 tháng và đã nghỉ sau khi công ty xảy ra sự việc bị cơ quan chức năng xác minh làm rõ vụ nhập thuốc giả và em chồng bà "không phụ trách gì liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc hay lĩnh vực dược".
Ừ thì, kinh doanh là quyền cá nhân của em chồng, nhưng em chồng thì vẫn cứ là... em chồng. Người dân thấy thương thay cho bà “quan to” vì phải từ chối tình thân gia đình do sợ liên đới trách nhiệm. Có người lại đặt câu hỏi: “Phải chăng chồng bà “quan to” kia chỉ là chồng hờ, nên bà mới không coi em chồng không phải là người trong gia đình?”.
Nói chung, cái sự ngoắt ngoéo câu chữ, dùng cả Luật Phòng, chống tham nhũng để giải thích quan niệm về những mối quan hệ trong gia đình cũng là bi kịch, khiến cho người trong cuộc khó mà thanh thản được.
Nói về chữ “tâm” thì cũng có ba bảy đường. Tiếng Việt vốn rất phong phú. Cũng là chữ “tâm” nhưng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. “Thiện tâm” là tấm lòng tốt. “Công tâm” là tấm lòng ngay thẳng, chỉ vì cái chung chứ không tư lợi hoặc thiên vị. “Minh tâm” là tấm lòng sáng suốt... Nhưng “tà tâm” là lòng dạ xấu xa như lang sói, “tâm địa” chỉ những con người luôn mưu mô, ngoắt ngoéo, nhỏ nhen.
Khi Đại thi hào Nguyễn Du nói: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Sống trên đời phải có một tấm lòng” là các ông muốn nói đến chữ “tâm” tích cực, như thiện tâm, công tâm, minh tâm chứ ắt hẳn không ai nghĩ đến tâm địa, tà tâm.
Những người “khẩu phật, tâm xà” thì dù có giỏi lấp liếm đến mấy, rốt cục cái “tâm xà” cũng sẽ có ngày lộ diện. Người viết bài này từng chiêm nghiệm về những vị quan “khẩu phật, tâm xà” hơn chục năm qua thì thấy rõ điều này.
Có vị, khi đương chức được nhận xét “tuy ít tài nhưng cái tâm thì được”. Nhưng cái “tâm” và cái “tài” có quan hệ tương hỗ, anh “có tâm” thì nên biết mình tài cán đến đâu, có đảm đương được trọng trách “Đảng cử, Dân bầu” hay không.
“Tài” ít mà giữ ngôi cao, sớm muộn cũng gây họa cho dân, cho nước. Khi ấy thì cái “tâm”, cái “đức’ đâu còn giữ được nữa. Hay có anh tham nhũng nhưng giỏi che đậy, hay chỉ đạo theo lối “khẩu dụ”, nên đã “hạ cánh an toàn” dù đàn em, đệ tử lần lượt xộ khám.
Nhưng như Đại văn hào Victor Hugo của nước Pháp đã nói: “Với nhân dân, quyền lực duy nhất là luật pháp. Với cá nhân, quyền lực duy nhất là lương tâm”. Pháp luật có thể chưa đủ chế tài để đưa anh ra trước ánh sáng công lý, nhưng lương tâm anh sẽ phán xử. Ít nhất thì, công đường chưa luận tội anh nhưng công chúng thì đã dần dần hiểu tội trạng của anh. Một điều chắc chắn, những rao giảng về chữ “tâm” của mình trong suốt quá trình đương chức sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ.
Chữ “tâm” rất quý, nhưng xin các vị cán bộ, công chức đang giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị đất nước lưu ý, có rất nhiều chữ “tâm” cần tránh, như tâm địa, tâm xà, tà tâm...
Nguyễn Hồng