Đại tá Nguyễn Đức Hiệu - Trưởng ban liên lạc (thứ năm từ phải qua) cùng các CCB Đoàn Thanh Xuyên.
Đúng những ngày gió mùa Đông bắc cuối tháng 3-2019, bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) mưa giăng giăng rét đậm, nhưng lại ấm lên trong Chương trình “Gặp gỡ Thanh Xuyên” lần thứ 10 của hơn 300 CCB, từ 16 tỉnh, thành phố miền Bắc về họp mặt. Người già nhất đã xấp xỉ 90 tuổi, người trẻ khoảng lục tuần “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”, trong Đoàn Thanh Xuyên.
Nhớ lại, tháng 8-1954, Tiểu đoàn 12 (thuộc Trung đoàn 600) được thành lập tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), để đón và bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc về Hà Nội. Tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn các mục tiêu, trấn áp các vụ gây rối, làm thất bại những hoạt động gián điệp, phá hoại của địch. Đơn vị tham gia làm đường Thanh Niên, Công viên Lênin, đào ao cá Bác Hồ... được Người nhiều lần tới thăm và đặt tên là “Đoàn Thanh Xuyên”, ý nghĩa như một thanh gươm báu, thường xuyên mài dũa để bảo vệ Đảng, Nhà nước. Tháng 3-1959, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nay là Bộ đội Biên phòng thành lập, Đoàn Thanh Xuyên được tách khỏi Trung đoàn 600, thành lực lượng cơ động của Bộ Tư lệnh CANDVT, làm nhiệm vụ tiễu phỉ, bắt gián điệp, biệt kích, bắn máy bay địch từ cao nguyên Đồng Văn, núi rừng Đông Bắc, Tây Bắc, biên giới Việt-Lào (Thanh Hóa, Nghệ An), đánh Phun-rô ở Tây Nguyên… Ngày 4-2-1978, Bộ Tư lệnh CANDVT nâng cấp Tiểu đoàn 12 thành Trung đoàn 12, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, khu vực tỉnh Lạng Sơn. Tại đây Trung đoàn đã chiến đấu anh dũng, bẻ gãy nhiều đợt tiến công, tiêu diệt hàng trăm tên địch, Trung đoàn 12 và Tiểu đoàn 1 cùng ba cán bộ, chiến sĩ Lê Đình Chinh, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Công Thuận được tuyên dương Anh hùng LLVTND, 161 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương các loại. Năm 1980, Đoàn Thanh Xuyên được điều chuyển về Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), trong đội hình Sư đoàn 301. Trong 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đoàn Thanh Xuyên viết nên truyền thống “Trung kiên, dũng cảm, luyện giỏi, đánh thắng”.
Trong không khí vui tươi đầm ấm, Đại tá Nguyễn Đức Hiệu - Trưởng ban Liên lạc truyền thống Đoàn Thanh Xuyên cho biết: Ban Liên lạc thành lập tháng 6-1994 ở riêng Hà Nội, sau được kết nối rộng rãi trong các tỉnh, thành miền Bắc với 1.200 hội viên. Anh chị em động viên nhau giữ vững và phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống đơn vị Anh hùng “sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội”.
Tích cực hoạt động tri ân. Riêng năm 2018, Ban Liên lạc thăm hỏi, tặng quà cho 45 gia đình liệt sĩ ở Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên, đưa đón 6 hài cốt liệt sĩ ở Nghệ An và Lạng Sơn về quê nhà; hỗ trợ xóa 2 nhà dột nát cho hội viên; giúp đỡ nhiều hội viên hoàn thiện thủ tục hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 62 và 42 của Chính phủ. Nay có hàng trăm hội viên đảm nhiệm các chức danh từ Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, cán bộ cấp xã, huyện, tỉnh như CCB Thái Văn Hoạt, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Trị; Đại tá Bùi Quang An - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Thanh Hóa; Hà Nội có hai CCB Vương Văn Hiếu - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức và CCB Nguyễn Văn Công - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì...
Chúng tôi gặp “cụ” là Đại tá Phan Đình Đẩu - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 12 (1972-1974). Cụ năm nay 89 tuổi, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1950, nghỉ hưu năm 1990 tại phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Về với đời thường cụ là Bí thư chi bộ, công tác Mặt trận, thành viên các tổ tự quản, nhất là hòa giải viên đến năm 2015 mới thực sự nghỉ việc. Thượng tá Hà Ngọc Dũng, sinh 58 tuổi, ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội; nhập ngũ tháng 8-1978, làm xạ thủ trung liên của Tiểu đoàn 3, Đoàn Thanh Xuyên, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới tại khu vực đồn Chi Ma (Lộc Bình, Lạng Sơn). Năm 1980 chuyển ngành, nay anh là Phó trưởng ban Cửa khẩu sân bay Nội Bài tài trợ cho “Gặp gỡ Thanh Xuyên” lần này gần 20 triệu đồng. Thiếu tướng Trịnh Ngọc Huyền - nguyên Tư lệnh BĐBP, Trưởng ban liên lạc BĐBP T.P Hà Nội phấn khởi khẳng định: Thật tự hào chúng ta là CCB BĐBP, CCB Đoàn Thanh Xuyên, cả một đời lúc nào cũng tận trung với Đảng, gắn bó với nhân dân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được trao.
Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh BĐBP trao Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng lực lượng Biên phòng” cho 120 hội viên; Ban Liên lạc Đoàn Thanh Xuyên tặng quà cho 4 gia đình liệt sĩ, thương binh và trao Kỷ niệm chương “40 năm chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc 1979-2019” cho gần 300 hội viên.
Tô Kiều Thẩm