“Lớp vỡ lòng dã chiến” của tôi hồi chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, ở giữa bản, nơi cửa rừng đại ngàn, do các chú bộ đội về đây luyện quân trước khi ra mặt trận, giúp dân, dựng bằng cây lá rừng. Lớp nửa chìm nửa nổi, mái trùm lên hố sâu 1m, rộng 4m, dài 7m, có bậc lên xuống, có cửa vào hào đến hầm trú ẩn kiên cố. Hàng ngày, lũ trẻ chúng tôi, 51 đứa là con em ba dân tộc trong bản vui chơi, học hành an toàn.
Cô giáo tôi hai mươi tuổi, dân tộc Mường, người dong dỏng cao, mắt to, tròn, sáng, vui vẻ, hoạt bát, thông minh, là đảng viên trẻ nhất huyện, là bí thư xã đoàn, chấp hành huyện đoàn. Cô tự học nói được tiếng của bốn dân tộc trong huyện.
Nhiều người thán phục, học hỏi kinh nghiệm cô: “Thiên nhiên ban cho cô cũng chừng ấy thời gian như mọi người, bí quyết nào, giúp chúng tôi làm theo ?”. Cô Phúc trả lời: “Bí quyết duy nhất, là tôi làm theo lời dạy của Bác Hồ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Mẹ nuôi giục cô: “Trai gái Mường ngày trước, không đợi đến nữ thập tam, nam thập lục” mới lập gia đình. Bố mày mất từ ngày mẹ chưa xin mày về làm con nuôi. Nay mày đã hai mươi, mà mải lo học tiếng, không kiếm chồng về ở rể, rồi sinh con cho mẹ cháu trai lấy nòi giống, lo hương khói tổ tiên”.
Cô lắng nghe và mạnh dạn nói lên điều mới mẻ với mẹ, rằng, nhờ ngôn ngữ mà trong đêm hồng hoang trái đất, con người trở thành chúa tể muôn loài, thành người hiện đại văn minh. Ngày con đến lớp vỡ lòng học chữ quốc ngữ, cô giáo là người Kinh, chưa biết tiếng dân tộc; cô và trò đều gặp khó khăn trong dạy và học. Nay con là cô giáo dạy tiếng phổ thông cho học sinh ba dân tộc trong bản, làm công tác đoàn huyện có bốn dân tộc được tốt, con phải nói được tiếng các dân tộc để giao tiếp. Người đi học làm công tác, cần ngôn ngữ như người kinh doanh cần tiền. Con đã có người yêu là anh Tân, Chính ủy Trung đoàn 2 thường đến thăm mẹ đó. Chúng con hẹn nhau, đuổi hết giặc mới làm lễ cưới tại nhà ta. Thời khoa học phát triển, con người chủ động sinh trai, đẻ gái, mẹ không lo”.
Cô rất thương yêu chúng tôi.
Tôi nhớ một lần chạy máy bay Mỹ, kẻng báo động, cô đưa chúng tôi vào hầm, rồi đếm lại, thấy thiếu thằng Tẻng, cô hốt hoảng, bảo “các em ngồi yên, cô trở lại lớp”. Lát sau, cô dắt thằng Tẻng vào trong tiếng gầm rú của những con ma, thần sấm Mỹ. Hôm đó, máy bay giặc ăn đạn ở trận địa cao xạ Hàm Rồng, một thằng phi công nhảy dù xuống rừng bản tôi, dân quân vây bắt. Máy bay giặc kéo đến đen kịt vùng trời, hòng cướp phi công.
Những lúc như thế, cô là tất cả.
Cô vừa là mẹ hiền, khai tâm trí cho chúng tôi từ tấm bé; cô dạy chúng tôi ăn, ngủ điều độ, năng tập thể dục cho người khỏe mạnh để có bộ óc thông minh vào đời. Cô dạy chúng tôi biết múa, hát: “Con cò be bé/ Nó đậu cành tre/ Đi không hỏi mẹ/ Biết đâu mà về/ Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ yêu không nào?”.
… Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền”
Năm tôi học lớp 4, người yêu cô hi sinh, học trò và phụ huynh đến chia buồn với cô nhưng cô nén nỗi đau của riêng mình.
Tháng sau, cô tình nguyện nhập ngũ, cô nói là bắt quân thù đền nợ máu cho người hi sinh.
Đất nước hoàn toàn giải phóng. Cô là thương binh về bản, sau khi để lại một phần thân thể là cánh tay trái và bốn ngón bàn chân phải ngoài mặt trận.
Cô có lương, bảo đảm cuộc sống. Nhưng sang năm học mới, với tay phải còn lại, quen cầm phấn cô tình nguyện xin trở lại tiếp tục dạy học.
Cô nghỉ hưu. Nay cô ngoài sáu mươi, nét phúc hậu vẫn tươi trẻ, không già.
Cô như người lái đò giỏi giang, giàu nghị lực, không cam chịu số phận, đã đưa nhiều lớp trẻ như tôi qua lớp vỡ lòng của cô.
Học trò của cô nhiều lắm, trẻ cũng ngoại 25. Có người là liệt sĩ, có người thương binh, bệnh binh, có người là nông dân giỏi trên đồng ruộng, là công nhân giỏi ở nhà máy, người là cán bộ chủ chốt ở làng, xã, huyện, tỉnh, người là doanh nhân, người là kỹ sư, bác sĩ, người là giáo sư, tiến sĩ, người là tướng lĩnh trong quân đội, có cả nhà báo, nhà văn…
Căn hộ hai tầng với tiện nghi cô đang ở là quà mừng sinh nhật cô vào tuổi sáu mươi, đồng môn chúng tôi kính tặng cô, làm nơi thờ cúng khi cô qua đời; nơi giao lưu của chúng tôi khi về thăm cô.
Trước khi viết bài này, tôi đã được phong quân hàm đại tá; tôi không biết có bao nhiêu đứa trẻ như tôi, được cô cầm tay uốn từng nét chữ (cô bảo nét chữ, nét người).
Tôi mồ côi cha mẹ từ lọt lòng, được ông lão nghèo, độc thân sống bằng nghề quét chợ, thấy trong gói váy đụp chiều 30 tết, mưa phùn gió bấc, chắc là người mẹ đẻ hoang nào bỏ ra bãi rác ở cuối chợ, đem về nuôi.
Cha nuôi đã qua đời năm tôi học lớp 7, tôi phải bỏ học. Năm năm sau, tôi đi bộ đội. Đời binh nghiệp của tôi nay rừng, mai biển, khắp ba miền đất nước, có nhiều năm học tập, công tác ở nước bạn.
Tôi thường về bản thăm cô. Tôi xem cô là người mẹ còn sống của tôi.
Tôi muôn vàn cảm ơn cha nuôi, cảm ơn cô. Từ “chân trời” nơi cửa rừng, cha nuôi và cô dẫn dắt, tôi đến với “chân trời” rộng mở của xã hội, “chân trời” vinh quang xán lạn của Tổ quốc.
Cả đời, cô gắn bó với lũ trẻ bản tôi!
Sau khi người yêu cô hi sinh, nhiều người tài đức cảm mến đức hạnh cô, hỏi cô làm vợ, cô khéo léo khước từ, giữ lời hứa với người đã khuất…
Cô không có con. Nhưng những đứa con của cô như tôi thì cô có nhiều, nhiều lắm!
Hình ảnh về một cô giáo như cô, mãi mãi khắc sâu trong tâm trí tôi trong suốt cuộc đời…
D.T.A