Câu chuyện diễn ra một ngày đầu xuân năm 1969. Trung đoàn 812 của chúng tôi đã cùng với quân và dân Trị Thiên giáng cho kẻ địch một đòn nặng nề làm chúng thất điên bát đảo. Ta đã tiến công nổi dậy trên khắp chiến trường, làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm. Sau chiến thắng vang dội đó, địch cay cú, điên cuồng, phản kích quyết liệt; chúng tìm mọi cách cắt đứt nguồn hậu cần của ta từ đồng bằng lên, đánh phá ác liệt, ngăn chặn tiếp tế từ miền Bắc vào. Chúng thẳng tay đàn áp đẫm máu nhiều cơ sở cách mạng. Các đơn vị chủ lực ở chiến trường đứng trước một thời điểm cực kỳ khó khăn, thử thách. Địch dùng phi pháo đánh phá dữ dội, liên tục, gây nhiều tổn thất lớn cho ta. Vũ khí, thuốc men ngày càng thiếu thốn. Bữa ăn của bộ đội từ năm lặng gạo một ngày, xuống ba lạng, rồi một lạng... Cuối cùng gạo cũng hết; thương binh không có cháo ăn. Bộ đội phải sống bằng rau, măng rừng... Trước tình thế đó, quân khu đã cho phép trung đoàn rút ra Bắc củng cố, xây dựng rồi quay lại tiếp tục chiến đấu. Để bảo toàn lực lượng cho đơn vị, đại đội công binh có lệnh để lại một trung đội chốt chặn địch. Khi ấy độâi chỉ còn 27 người; gom các bộ phận lại được 11 đồng chí còn sức chiến đấu do Trung đội trưởng Thái Hữu Song, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh chỉ huy. Nhiệm vụ của chúng tôi là: phải chiến đấu đến cùng, dù hy sinh tất cả cũng phải chặn đứng bọn địch cho trung đoàn rút quân an toàn.

Suốt ba ngày đêm chiến đấu ròng rã, vũ khí chỉ còn 6 quả mìn định hướng, 11 trái lựu đạn, một khẩu B40, 10 khẩu AK với 2 cơ số đạn. Chúng tôi phải nhịn đói, nhịn khát nhưng đã ngoan cường bẻ gãy nhiều đợt tấn công của định, giữ vững trận địa. Nhưng lục lượng của chúng rất đông, có phi pháo yểm trợ tối đa, nên đến chiều tối ngày thứ ba, trung đội đã anh dũng hy sinh gần hết, chỉ còn lại tôi và trung đội trưởng Song. Tôi bị thương nhẹ vào mắt cá chân và ở đầu. Anh Song đã mấy lần bị thương nhưng vẫn bình tĩnh chiến đấu và chỉ huy trận địa. Lần bị thương cuối cùng, vết thương rất nặng do mảnh cối 81găm vào ngực, vào bụng, máu ra rất nhiều. Vết thương ở bụng chảy ra một chất nước xanh lè làm tôi hốt hoảng. Mãi sau này tôi mới biết là do bị đói ăn nhiều ngày, không có cơm phải ăn rau nên khi bị thương, bụng không có gì, chỉ có nước và rau. Tôi cởi áo rồi dùng một chiếc bát B52 úp lên phần ruột bị phòi ra từ vết thương và băng bó cho anh. Anh Song đã nắm chặt tay tôi, đôi mắt của anh nhìn tôi như thôi miên. Ôi đôi mắt chứa chan bao yêu thương như đôi mắt của một người mẹ, nhưng vẫn ánh lên những tia sáng cháy rực cương nghị. Anh nói đứt quãng nhưng kiên quyết:

  • Tài ơi, em phải sống... về báo cáo... trung đội đã hoàn thành... nhiệm vụ. Tôi luống cuống bàng hoàng khi nhìn vào đôi mắt anh, đôi mắt suốt đời tôi không bao giờ quên. tôi nấc lên:

  • Anh Song ơi! Anh đừng chết!

Thế rồi bàn tay anh tuột khỏi tay tôi. Anh đã trút hơi thở cuối cùng trên quả đồi không tên phía tây nam điểm cao 367, Quảng Trị vào một ngày đầu xuân, trên mảnh đất thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt của chúng tôi. Tôi ôm chầm lấy anh thảng thốt, nghẹn ngào. Máu của anh vẫn trào ra thấm vào ngực tôi nóng hổi... Sự mất mát hy sinh của đồng đội quá lớn làm tôi đau đến đến tột cùng. Tôi như người mất hồn, thảng thốt, nước mắt giàn giụa...

Bỗng tiếng súng của địch rộ lên, chúng la ó làm tôi bừng tỉnh.

Trong tay chỉ còn 2 trái lựu đạn và vài chục viên đạn AK. Tôi tự hỏi mình phải chiến đấu sao đây? Rồi những lời căn dặn và đôi mắt nhìn lần cuối cùng của anh Song đã tiếp cho tôi sức mạnh. Tôi bình tĩnh, tự nhủ, mình phải chiến đấu, phải sống.

Màn đêm đã buông xuống tôi tiếp tục cầm cự với địch, diệt thêm vài tên nữa cho đến khi hết đạn.

Bọn địch ào lên hò hét:

  • Phải bắt sống Việt cộng!

Chúng bắn như vãi đạn, vàø tới rất gần. Tôi chợt loé ra ý nghĩ, mình phải giả chết; chính đồng đội sẽ che chở cho mình. Tôi nằm sát dưới xác anh Song và Lợi, nín thở như đã chết...

Bọn địch tràn lên:

  • Việt cộng, Việt cộng chết hết rồi.

Tiếng thằng chỉ huy hét lên:

  • Kiểm tra xem có thằng nào sống không!

Rồi chúng dùng lưỡi lê xăm vào từng đồng đội của tôi. Tôi đau đớn đến nghẹt thở. Trời ơi! bọn địch lại giết đồng đội tôi thêm một lần nữa. Một ý nghĩ lại vụt lên: Hay là mình vùng dậy lao vào bóp chết vài thằng rồi cùng chết với đồng đội. Nhưng nhớ lời dặn dò của anh Song trước lúc ra đi tôi đa trấn tĩnh hơn, nằm im chờ đợi...

Bước chân của chúng đến càng gần, một thằng đã đi sát bên tôi, chắc là hắn sắp đâm lê xuống, tôi nghĩ...

Nhưng thật lạ lùng, hắn đột nhiên quay lại và đi thẳng. Như có một sự run rủi phù hộ che chở của thánh thần, tôi không thể lý giải được.

Khi chúng đi rồi, tôi chưa hết hồi hộp; tôi thận trọng từ từ ngồi dậy.

Dưới ánh trăng thượng tuần, mười đồng chí thân yêu của tôi mỗi người một tư thế nằm như đang ngủ; tôi đau xót vô cùng. Rồi tôi bí mật, lặng lẽ dùng hai bàn tay đang còn đẫm máu của mình, bới các hố pháo và những căn hầm bị sập. Sợ địch phát hiện tiếng động, tôi không dám dùng xẻng. Tôi lặng lẽ chôn cất các anh, dùng dao găm khắc tên tuổi của từng người trên dây lưng, bi-đông đựng nước. Tất cả còn rất trẻ, 9 người 17, 18 tuổi cùng tuổi với tôi. Mỗi người một quê hương: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng... Có đồng chí tôi không nhớ tên vì mới bổ sung vào đơn vị mấy ngày. Anh Song là người nhiều tuổi hơn cũng chỉ mới 20. Tất cả còn quá trẻ, tràn đầy sức xuân. Các anh ra đi như những thiên thần.

Cho đến hôm nay, sau gần 40 năm, kể từ cái đêm định mệnh ấy, tôi không hiểu vì sao nhiều lần đã đến gần cái chết trong gang tấc, đã từng được làm lễ truy điệu, được báo tử mà tôi vẫn không chết. Qua bao thăng trầm, biến cố của cuộc đời, có những lúc tưởng như tuyệt vọng, gục ngã, tôi vẫn đứng dậy, sống xứng đáng với các anh. Các anh như những thánh thần đã tiếp sức cho tôi.

Sau khi chôn cất đồng đội, đến hai giờ sáng tôi mới vượt qua vòng vây của kẻ thù. Vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh, đói khát, cái chết rình rập, 15 ngày đêm, một mình giữa rừng sâu, trong tay chỉ còn một khẩu súng AK hết đạn, đã sống sót trở về và tìm được đơn vị là cả một câu chuyện dài ly kỳ mà tôi chưa thể lý giải vì sao tôi đã vượt qua được. Tôi chỉ tâm niệm rằng chính đồng đôi thân yêu đã phù hộ, che chở cho tôi, tiếp cho tôi sức mạnh để sống đến ngày hôm nay. Ân nghĩa ấy biết bao giờ tôi mới trả được?

Nguyễn Văn Tài