(Báo tháng) - Tháng 2-1975, khi đang học khoa Văn - Sử, năm thứ hai, Trường Sư phạm 10+3 tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh, Bắc Giang) thì tôi nhận lệnh Tổng động viên nhập ngũ đi giải phóng miền Nam.
Sau thời gian huấn luyện cấp tốc ở Trung đoàn 40 - Hà Bắc, chuẩn bị lên đường thì miền Nam giải phóng. Chuyển nhiệm vụ, tháng 6 năm ấy chúng tôi hành quân từ Lục Nam (Bắc Giang) đến xã Phú Hòa, huyện Gia Lương (nay là Lương Tài, Bắc Ninh) làm nhệm vụ chống lụt giúp dân.
Tại nơi đóng quân ở thôn Tì Điện, tôi đã vi phạm kỷ luật quân đội. Nhưng chính lần vi phạm kỷ luật đó đã giúp tôi khôn lớn, trưởng thành lên nhờ tình thương yêu cấp dưới cao cả của đồng chí Trung úy Mai Xuân Mát - Trung đội trưởng. Tiếc quá, tôi vô tâm nên không biết quê anh ở đâu và hiện nay thế nào?
Chuyện như sau: Một buổi chiều tôi cùng hai chiến sĩ trong Tiểu đội được cử lên Tiểu đoàn nhận đậu phụ cho Đại đội. Tới nơi, tình cờ gặp người cùng làng (thôn Chính Thượng, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Chị báo cho tôi tin buồn: “Bà cụ Quản Vinh mất rồi” - Cụ Quản Vinh ở độc thân là người trong họ gia đình vợ tôi. Lẽ ra tôi phải báo cáo đơn vị, xin nghỉ về đưa tang cụ. Nhưng tôi lại đơn giản bỏ về nhà luôn, mà chỉ nhờ hai bạn về báo cáo với Trung đội trưởng Mai Xuân Mát.
Sáng hôm sau, tôi trở lại đơn vị đúng giờ vào làm vệ sinh thôn xóm giúp địa phương. Trung đội trưởng Mát không nói gì với tôi cả, chỉ thấy anh không vui như mọi ngày.
Sau bữa cơm chiều, anh gọi tôi lên phòng, nhẹ nhàng nói:
- Lẽ ra không vào bộ đội cậu sẽ là thầy giáo, mà Điều lệnh Kỷ luật Quân đội thì học rồi, nên tôi không phải giải thích thêm nữa. Thôi, đêm nay cậu phải nhận kỷ luật phạt giam, ngủ trong nhà kho hợp tác xã, thế nào “vui vẻ” chứ? (đương nhiên là tôi “quá” vui vẻ, vì nhà kho lợp ngói, nền gạch).
Trung đội sinh hoạt tối, thủ trưởng Mát đọc lệnh phạt, đơn vị im phắc… Tôi được chiến sĩ liên lạc đưa qua cửa sổ chiếc màn và chiếu của chính tôi (bọn muỗi nghỉ khỏe). Đặc biệt lại có cả chiếc đèn dầu, ca nước chè đậm đặc cùng cái chén nhỏ. Ngay lúc ấy tôi khẳng định: Không ai ngoài ông Mát.
“Được... giam” như thế, khá bí mật thế mà hôm sau bà con trong xóm Tì Điện xuýt xoa:
- Các chú bộ đội nghiêm quá. Công việc vất vả vì dân mà sơ suất một tí đã bị nhốt!
Tôi cũng ngượng thật, do lỗi của mình, nhưng vẫn tủm tỉm cười...
Bị “nhốt” mà có nước chè, ngủ ngon không phải gác đêm thì đáng tủm tỉm lắm chứ. Sáng hôm ấy anh Mát mở khóa cửa cho tôi ra.
Anh hỏi:
- Cậu có giận tớ không ?
Tôi thật lòng:
- Lẽ ra anh không nên đưa màn vào “phòng biệt giam” thì em thấm thía nhanh hơn cũng nên.
Anh Mát cho tôi hai thanh lương khô 702 rồi nói:
- Cậu cầm lấy bồi dưỡng.
Câu chuyện đáng trách của tôi cho đến nay nếu tôi không khai ra thì ngay cả vợ con và các cháu tôi đâu có biết. Và, tôi cần viết ra, biết đâu không chỉ lính binh nhì mà có khi cả “cựu binh nhì” nhớ: Ta đã có một thuở trong sáng như thế.
Nguyễn Thành Hương