Đó là dự án mang mật danh “Sekta” (Lưới sắt) do các nhà khoa học Xô Viết tiến hành, đi sâu nghiên cứu hiện tượng UFO trong hai thập niên 70 và 80 thế kỷ trước nhằm minh chứng nguồn gốc ngoài hành tinh của sự kiện đĩa bay là có thật.
Vào đầu năm 1978, theo chỉ thị từ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alexei Kosygin, giới khoa học Liên Xô bắt đầu phát triển chương trình Sekta để tìm hiểu bản chất của hiện tượng UFO, phân tích các tác động ảnh hưởng đến con người và môi trường xung quanh, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng. Chính phủ Liên Xô chính thức quyết định tiến hành dự án nghiên cứu tuyệt mật Sekta, dựa trên các sự kiện xảy ra vào tháng 9/1977.
Theo đó ở phần phía bắc Liên Xô và Phần Lan, UFO xuất hiện dưới dạng giống hình một con sứa, nhất là trên bầu trời thành phố Petrozavodsk, thủ phủ nước Cộng hòa tự trị Karelia thuộc Liên bang Xôviết. Do vậy sự kiện này được báo giới Xôviết đương thời gọi là "hiện tượng Petrozavodsk".
Thực ra ngay từ năm 1976, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã thực thi chương trình nghiên cứu về các vật thể bay không xác định, để 2 năm sau bổ sung thành phần khởi đầu của dự án Sekta.
Dự án siêu mật được tiến hành theo 2 hướng gồm Sekta-MO và Sekta-AN. Sekta-MO chuyên nghiên cứu các hiện tượng bất thường cùng ảnh hưởng phát sinh đối với binh sĩ và vũ khí khí tài nói chung, còn Sekta-AN phân tích nguồn gốc vật lý và nguyên lý phát triển của UFO.
Bộ Quốc phòng là cơ quan chỉ đạo Sekta-MO thu thập mọi thông tin về UFO liên quan đến quân đội; còn Viện Hàn lâm giám sát Sekta-AN qua nguồn tin từ các tổ chức khoa học cũng như cơ quan báo chí, nhằm mục đích nghiên cứu tổng thể từ các hiện tượng bất thường khác biệt nhau. Truyền thông Xôviết khi ấy không được phép đả động đến dự án Sekta, thậm chí chỉ cần đưa tin về sự tồn tại của người ngoài hành tinh không thôi cũng đã bị chỉ trích nặng nề.
Trung bình cứ sau 5 năm, dự án nghiên cứu đĩa bay lại đổi mật danh để đánh lạc hướng những kẻ tò mò. Từ "Sekta" lúc đầu chuyển sang "Galatica MO" (Thiên hà MO) vào năm 1981, để đến năm 1986 lại chuyển thành "Horizont MO" (Chân trời MO) cùng mục đích không đổi nhằm làm sáng tỏ bản chất của UFO. Tổng cộng có hơn 400 trường hợp bí ẩn đã được đề cập tới trong dự án Sekta, kể cả vụ phi cơ chiến đấu Liên Xô va chạm với UFO.
Sau đây là những vụ việc tiêu biểu ngoài "trường hợp Petrozavodsk" nói trên.
Tháng 6/1979, gần thị trấn Derzhavinsk thuộc Cộng hòa Kazakhstan xuất hiện một phương tiện bay không rõ nguồn gốc, với phi hành đoàn lưu trú trên mặt đất suốt mấy ngày liền. Họ không gây ra bất cứ tác hại gì đối với người trái đất.
Các nhân chứng là con trẻ đang đi cắm trại hè thiếu nhi đã nhìn thấy những sinh vật giống người có hình thù cao trên 3m, cách phân biệt các cá nhân khác nhau trong phi hành đoàn thể hiện qua màu sắc của chiếc thắt lưng buộc ngang người. Tất cả đều có vóc dáng mảnh khảnh, khi cần chuyển động lại vươn tay ra phía trước để rồi từ từ… biến mất như thể tan biến vào không trung trước khi tái xuất hiện.
Đến ngày hôm sau, họ hiện diện ngay trong khu cắm trại, còn phía đằng xa là hình dáng cỗ phương tiện bay trông giống như một chiếc lều du mục. Cỏ bị đốt cháy bên dưới mỗi khi "lều" lướt qua. Còn báo chí địa phương đưa tin vào ngày 26/6 cùng năm, nhiều nhân chứng đã mục kích thấy một vật thể sáng rực đứng bất động giữa trời cao.
Sau đó các nhân viên thuộc Bộ Nội vụ và Ủy ban An ninh nhà nước (KGB) đã đến tận hiện trường khu cắm trại, nhưng không tìm thấy bất cứ dấu vết gì sót lại. Đến giữa tháng 6/1980, một trường hợp tương tự lại xảy ra. Lần này trên cả phần châu Âu của nước Nga đều có thể mục kích một khối cầu rực sáng với quầng lửa đỏ đằng đuôi, sau đó quầng lửa chuyển thành khói màu xám nhạt và quyện lại giống hình một chiếc chuông cực lớn.
Có ý kiến cho rằng đó là vết tích của vụ đưa vệ tinh Cosmos 1188 lên quỹ đạo, khởi hành từ bãi phóng Pletesk trong vùng Arkhangelsk cách Moscow 800km về phía bắc. Nhưng hiện tượng y hệt cũng được quan sát thấy ở cả khu vực Nam Mỹ. Còn ở Nga, các nhân chứng nhìn thấy hiện tượng này là những người sinh sống ở Moscow Tula, Vladimir, Ryazansk… thậm chí cả từ nước Cộng hòa Tatarstan mạn cực nam nước Nga nữa.
Nhưng địa danh được giới khoa học lưu tâm nhất là tại Chkalovsk, một trong những thành phố trực thuộc trung ương bởi đồng thời xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường cùng một lúc. Ngoài điểm sáng rực hình cầu ra, có một "đám mây UFO" đen kịt bất động giữa vòm trời… Với các cá nhân riêng lẻ tiêu biểu là trường hợp của chàng sinh viên A. Vostruhin, anh từng mục kích một UFO hình bầu dục ở khoảng không bên trên làng Solnsevo thuộc ngoại vi Moscow.
Một thời gian sau cũng tại địa điểm này, Trung tá Cảnh sát V. Kariakin đã chứng kiến sự kiện tương tự. Đầu tiên Kariakin nghe thấy âm thanh ồn, sau đó nhìn thấy một quầng sáng khổng lồ từ từ lướt tới rồi đứng bất động. Ông cố chạy đuổi theo vật lạ nhưng không thể bởi đôi chân đột nhiên chùng hẳn xuống như mất hết năng lượng, Kariakin cố bò tới chỗ UFO thì nó liền bốc lên cao độ 25 m thì dừng lại như thể muốn quan sát người dưới đất trước khi mất dạng…
Để làm rõ trường hợp của V. Kariakin, một ủy ban điều tra đặc biệt đã được thành lập. Nhà tâm lý học nổi tiếng S. Kuzminski đã trò chuyện cùng V. Kariakin, cho thấy trạng thái tâm sinh lý của ông hoàn toàn bình thường. Vật thể lạ tuyệt nhiên không gây tác hại gì tới cơ thể cũng như sức khỏe của nhân chứng.
Đề tài UFO lâu nay luôn lôi cuốn giới khoa học ở mọi nơi trên hành tinh, nhưng hầu hết tất cả các công trình nghiên cứu về vật thể bay không xác định đều được xếp vào dạng bí mật quốc gia và dự án Sekta cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Sau khi Liên bang Xôviết sụp đổ, cũng như nhiều dự án khoa học khác phải đình hoãn vì thiếu kinh phí. Chẳng hiểu bằng cách nào mà một phần tài liệu siêu mật thuộc khuôn khổ dự án kéo dài 13 năm đã lọt vào tay CIA.
Việc tiết lộ kết quả nghiên cứu từ dự án "Lưới sắt" đã gây sửng sốt với bất cứ nhà đĩa bay học nào. Qua đó cho thấy ngay từ thập niên 80 thế kỷ trước, các nhà khoa học Xôviết đã nắm được bằng chứng của việc UFO định kỳ xuất hiện, phần nào minh chứng sự tồn tại của loài người khác trong thiên hà. Chỉ riêng sự kiện dự án Sekta chính thức công nhận có sự sống ngoài hành tinh, đã góp phần đặt dấu chấm hết cho những cuộc nghiên cứu công phu và tốn kém nhằm thẩm định đề tài hóc búa này.
Cuối cùng, các nhà khoa học thuộc dự án Sekta đưa ra một luận điểm có tính tham khảo, rằng tuy tất cả những trường hợp quan sát được đều mang tính bất thường, nhưng chưa đủ dữ liệu để nghiên cứu bản chất đích thực của chúng. Công việc còn lại dĩ nhiên thuộc về các nhà đĩa bay học tâm huyết nhất.
Quỳnh Anh (TH)