Cấp nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang
Trong khi diễn biến về dịch bệnh Covid-19 đang được dư luận chú ý từng phút, từng giờ thì hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng là mối quan tâm không kém phần. Hiện nay, Nhà nước và người dân đang cùng sát cánh, chung sức, nỗ lực đối phó với hạn, mặn.
Xâm nhập mặn đang có xu hướng giảm
Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 12/2019 và liên tục ở mức cao cho đến nay. Trong tháng 12, từ ngày 12-15/12, mặn xâm nhập sâu ở vùng các cửa sông Cửu Long với ranh mặn 4g/l, sâu nhất đến 57km, sâu hơn trung bình nhiều năm 24km, sâu hơn năm 2015 17km.
Tháng 1/2020, xâm nhập mặn cao nhất từ ngày 6-13/1, tháng 2/2020, xâm nhập mặn cao nhất từ ngày 8/2 đến 16/2, với ranh mặn 4g/l.
Trong tháng 3, xâm nhập mặn tiếp tục ở mức cao nhưng giảm hơn so với đợt xâm nhập mặn từ 8/2 đến 16/2. Dự báo, từ nay đến khoảng giữa tháng 4/2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long tiếp tục ở mức cao nhưng có xu thế giảm dần, thấp hơn mức đã xuất hiện trong tháng 2,3/2020. Từ giữa tháng 4/2020, xâm nhập mặn khả năng sẽ giảm nhanh; ở các cửa sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, đến cuối tháng 4/2020 sẽ giảm dần.
Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tổng diện tích lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 bị thiệt hại khoảng gần 43.500ha, bằng 10,7% so với tổng cộng thiệt hại năm 2015-2016. Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng số hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước gần 96.000 hộ (Bến Tre 20.000 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.500 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ, Trà Vinh 8.600 hộ).
Chung sức ứng phó với xâm nhập mặn
Trước tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt, Nhà nước cùng với người dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cùng chung sức, triển khai nhiều giải pháp khắc phục.
Ngày 19/3 vừa qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang đã tổ chức tiếp nhận 100 thiết bị lọc nước, xử lý nước, trao cho 100 hộ nghèo, gia đình chính sách của 2 huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông với tổng kinh phí 200 triệu đồng. Tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), UBND huyện đã khẩn trương cùng các ngành liên quan triển khai giải pháp để cấp nước tưới cho cây sầu riêng. Tính đến 14 giờ, ngày 16/3/2020, trên địa bàn huyện đã tiếp nhận hơn 9.404 m3 nước ngọt và UBND các xã đã phân phối gần 7.380 m3 nước ngọt cho 980 hộ dân để tưới cây sầu riêng.
Tại tỉnh Sóc Trăng, để góp sức chung tay, đồng hành cùng bà con ứng phó với hạn, mặn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã trao tặng 350 bồn chứa nước loại 500 lít cho 350 hộ gia đình chính sách, hoàn cảnh nghèo, neo đơn với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Đồng thời cấp miễn phí hơn 200m3 nước ngọt đến các hộ gia đình, gia đình chính sách và người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển thuộc huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.
Báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT cho biết, tỉnh Kiên Giang đã bố trí kinh phí đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy cấp nước để bảo đảm cung cấp cho 9.000 hộ. Số hộ thiếu nước còn lại sẽ sử dụng cấp nước di động trong thời gian xâm nhập mặn lên cao và sẽ khẩn trương huy động các nguồn vốn khác để sớm giải quyết.
Tỉnh Bạc Liêu chuẩn bị ứng vốn trước đầu tư mở rộng 36km mạng lưới đường ống và khoan bổ sung 4 giếng nước ngầm để cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Tỉnh Long An đã hỗ trợ kinh phí mua 160 bồn trữ nước cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cần Giuộc đang bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt 50 vòi nước công cộng đảm bảo khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày xâm nhập mặn lên cao.
Để tiếp tục ứng phó với tình hình xâm nhập mặn đã và đang diễn ra, Bộ NN&PTNT đề nghị cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đang được bàn giao tạm thời để vận hành trong mùa khô 2019-2020.
Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn, cần khoan giếng bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài các đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt cấp cho các vùng dân cư bị ảnh hưởng, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động tích, trữ nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước sinh hoạt.
Về lâu dài, cần đầu tư lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động để kịp thời thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn, nhất là ứng phó với tác động của thời tiết cực đoan. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc xây mới, nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước tập trung tại Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang; mở rộng, kéo dài tuyến ống cấp nước cho các hộ dân khu vực lân cận tại Long An, Bến Tre, Kiên Giang,…/.
BT