Tôi vừa đọc lại “Đơn xin ra khỏi Đảng” của Phạm Đình Trọng, nhân có anh bạn đến “kích” tôi: “Mấy ông “rân chủ” đang nói năng văng mạng trên mạng xã hội. Ông phải viết một bài đập cho nó một mẻ chứ?”
Tôi nghĩ, đôi co với mấy “nhà” bất mãn đó làm gì... Mệt… Nhưng thôi, đúng như ý ông bạn tôi, gì thì gì, cũng phải nói lại chứ. Thôi, tôi sẽ phân tích lại từ chuyện bất mãn của ông Phạm Đình Trọng, khiến ông viết đơn xin ra khỏi Đảng và viết nhiều bài phê phán cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta (cũng phải nói ngay là tôi chưa vào Đảng)
Tôi đã gặp Phạm Đình Trọng vài lần từ hồi ông còn ốm o gầy còm. Ông không phải là tác giả để tôi chú ý nên ấn tượng duy nhất còn lại trong tôi là gương mặt ông không sáng sủa lắm.
Ông Trọng thông cảm, vì giới nhà văn có tật khinh người. Mãi sau này, một lần chuông điện thoại reo, tôi đã quá ngạc nhiên khi thấy người gọi là Phạm Đình Trọng.
Tôi nghe thì biết là ông Trọng tỏ ý đồng tình với tôi trong vụ tôi phê phán Triệu Xuân. Tất nhiên là tôi mừng vì có người đồng tình nhưng tôi vẫn lờ mờ nhận ra có một nét đố kỵ gì đó trong tính nết của “cái nhà ông Trọng này” với những người có chút thành đạt như “cái nhà ông Triệu Xuân kia”. Đến khi đọc lá đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trọng thì thấy cái nét đó đúng là rõ ràng hơn.
Ông Trọng trình bày trong đơn xin ra Đảng có câu: “Lý trí cho tôi nhận thức lại”. Cái gọi là ông “nhận thức lại” lại xuất phát từ chính cái chuyện ông bất bình với “ông Đào Ngọc Hùng-Phó tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, đã đưa một người bị đào thải ở nơi khác lên Trưởng chi nhánh phía Nam-mà lẽ ra “chân” ấy phải là ông”.
Bất bình với chuyện sai trái là đúng, nhưng từ chuyện của một cơ quan, ông lại phóng to tướng lên rồi còn quàng xiên sang những chuyện lớn lao khác. Thậm chí ông còn kết tội tổ chức Đảng mà ông từng thề nguyện xin vào là “đưa giai cấp lên trên dân tộc làm cho dân tộc tan rã, ly tán, suy yếu”.
Điều này là hoàn toàn sai. Bởi thành quả lớn nhất mà sự lãnh đạo của Đảng mang lại cho đất nước, cho dân tộc chính là hòa bình, độc lập, dân chủ; không chỉ “giai cấp” được hưởng mà toàn dân Việt Nam được hưởng, kể cả những người thuộc chế độ cũ.
Tôi là chứng nhân, vì ông chú ruột vợ tôi nguyên là sĩ quan quân đội Sài Gòn trước ngày 30-4-1975, từng bị tù 13 năm nhưng cuối đời ông vẫn được làm Cha sở Nhà thờ Chí Hòa. Một đứa em ruột vợ tôi giờ cũng là linh mục, còn hai đứa khác làm ngành điện lực, lương rất cao. Nghĩa là chúng nó được hưởng “lộc” của Nhà nước hơn tôi rất nhiều - một “chiến sĩ Giải phóng quân”.
Đến thế hệ con cháu thì đứa du học Mỹ, đứa du học Đức, đứa Xin-ga-po… Nghĩa là phúc đức ai thế nào thì được hưởng thế nấy, không nhà nước nào cấm người ta làm ăn, mưu cầu hạnh phúc cả. Ngay ông Trọng cũng khoe con được du học Mỹ kia mà!
Còn những chuyện tệ nạn, bất công thì đến ngay nước Mỹ, văn minh là thế cũng còn có không ít. Vì vậy không nên phóng đại!
Cũng cần phải hiểu nước ta là một nước còn yếu kém, không chỉ về khoa học công nghệ mà còn cả về khả năng quản trị xã hội. “Quả báo” chính là cái “lỗi hệ thống” mà các nhà nghiên cứu, kể cả các nhà lãnh đạo thường nói đến. Đó chính là những yếu kém, tệ nạn tham nhũng, bất công, sai trái của xã hội hiện thời. Chúng được hình thành do sự tích tụ từ lỗi quản trị xã hội trong nhiều năm, bây giờ không dễ một sớm, một chiều xóa bỏ được.
Cái bây giờ cần là từng bước chẩn bệnh, trị bệnh. Như thế chắc chắn sẽ là tốt hơn ngàn lần sự đập bỏ, rồi mơ mộng hão huyền xây “lâu đài trên cát”. Những tấm gương tầy liếp như Irắc, Lybi, Xyri, Ucraina… còn đang hiển hiện trước mắt chúng ta.
Sai trái thì phải đấu tranh, đấu tranh chưa được thì kiên trì đấu tranh nữa… Tuyệt đối không vì chưa đấu tranh được mà nhìn cuộc sống toàn màu đen cả, kể cả những điều cao cả, thiêng liêng mình từng tôn thờ.
Sự thật là ai cũng được hưởng cuộc sống thanh bình, chính sách của Nhà nước cũng đã mở ra nhiều hướng đi cho tất cả mọi người. Nếu anh có khả năng thực sự thì không cứ làm công chức, quyền cao, chức trọng mới là thành đạt, mới là sung sướng. Tôi đã là như thế. Chứ không phải như nhiều người vì bất tài, như con bê trông mong duy nhất vào bầu sữa nhà nước, rồi trong cuộc tranh đoạt bú nhiều, bú ít, thấy thiệt thòi đã quay lưng cắn cả mẹ bò, cắn cả chủ (thuyết)!
Như vậy chính sự bất mãn đã trở thành khối u ác tính trong não những người như ông Phạm Đình Trọng, đã gây ra cái hiện tượng “đấu tranh rân chủ” của mấy ông “chấy thức, rận sĩ, nhà văng, nhà láo” đang “hót” ra rả trên mạng xã hội.
Quái đản ở chỗ là nó lại có cái “hay” có thể trở thành một cái nghề kiếm “đô” và kiếm “danh” được. Nên xem chừng nó còn phát triển, còn làm “mấy bố” công an mệt!
Đông La