Ông quê ở Quảng Nam! Ông từng trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc cùng với 4 năm chiến đấu trong đội hình Quân tình nguyện Việt Nam tại Salavan - Lào. Đặc biệt, trong 10 năm từ 1961 đến 1971, ông được biệt phái làm Bí thư Huyện ủy Nam Sông Ba (tỉnh Đắc Lắc) rồi từ đó trở thành một Ama (người cha - tiếng Ê Đê) của buôn làng Tây Nguyên. Để hòa mình vào cuộc sống với đồng bào, ông đã đóng khố, để tóc dài, cà răng, phơi nắng, đi nương, làm rẫy và học thông thạo các thứ tiếng Lào, Ê Đê, Gia Rai … Ông là Ama Trang (Phạm Thành Hân).
Năm nay, Ama Trang 85 tuổi, nhưng vẫn nhanh nhẹn hoạt bát. Sau cái bắt tay thật chặt và lời chào chân thành từ thế hệ hậu sinh non trẻ, tôi hỏi ông: "Thưa bác, hôm qua cháu đọc tiểu thuyết Tiếng cồng Ama của nhà văn Dương Kiện, đọc đến đoạn bác đi hoạt động bí mật ở Tây Nguyên 10 năm không về, vợ bác tưởng bác hi sinh nên đi lấy chồng khác. Cháu buồn quá!...". Tôi chưa nói hết câu thì ông òa khóc, khóc nức nở đến mức người bạn già Võ Thành Tuất 80 tuổi ngồi bên cũng khóc theo. Ama Trang vừa khóc vừa nói: “Tui và bà ấy chia tay đã hơn 40 năm nay, bà cũng đã mất được hơn ba năm, nhưng mỗi khi nghĩ lại chuyện đó tui lại không cầm được nước mắt. Thực sự là tui và bà ấy còn rất yêu nhau, nhưng vì chiến tranh mà tui phải tự tay viết đơn xin ly hôn trong khi lòng còn yêu bà ấy tha thiết…”.
Mang tấm hình của vợ ra xem (ảnh), Ama Trang chậm rãi kể: "Năm 1953, tôi đánh trận Tha Tăng - Salavan (Lào) và bị trúng đạn, vỡ đầu gối trái, đứt gân nên được chuyển về hậu phương. Nhờ bà con Lào, Việt Nam mà tôi được đưa bằng cáng suốt cả tháng trời về tới bệnh xá Phước Lộc, Phước Sơn, Quảng Ngãi. Tại đây tôi quen Hoa, cô y tá xứ Quảng đã tận tình chăm sóc tôi suốt mấy tháng trời. Sau khi vết thương bình phục, tôi về ở nhà Hoa một thời gian, chúng tôi yêu nhau và quyết định đi tới hôn nhân".
Năm 1954, Phạm Thành Hân cưới cô y tá Nguyễn Thị Hoa trong niềm hạnh phúc vô bờ. Ngay sau đó, ông lên Tàu Ki-lin-xki (của Ba Lan) tập kết ra Bắc theo hiệp định đình chiến. Phạm Thành Hân đưa vợ ra Việt Trì, rồi Hà Nội sinh sống, hai người có một cô con gái tên là Phạm Thị Thanh Trang. Những năm tháng xa miền Nam dù khó khăn vất vả, nhưng hạnh phúc vì có vợ, có chồng và tình yêu mãnh liệt. Năm 1961, tình hình chiến sự miền Nam phức tạp, Phạm Thành Hân khi ấy vừa học xong lớp tiếng Trung đã từ chối đi công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, để xung phong trở lại chiến trường với lời nói dối gia đình là đi học ở Liên Xô...
Phạm Thành Hân được biệt phái vào làm Bí thư Huyện ủy Nam Sông Ba (Đắc Lắc) để gây dựng, tổ chức phong trào chống Mỹ và sản xuất. Trận càn năm 1964 khiến ông bị thương nặng và rơi xuống vực sâu, đồng đội tưởng ông hi sinh nên đã kể lại với vợ ông như vậy. Ai ngờ có hai cha con thợ săn đi rừng bẫy nai tìm được ông trong đêm tối bởi nghe tiếng radio từ ngực áo phát ra: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”. Ở ngoài Bắc, bà Hoa mặc dù không nhận được giấy báo tử nhưng nghe đồng đội báo tin nên đã lập bàn thờ chồng. Năm 1967, bà đi bước nữa với một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc… Già làng Ama Trang, sau khi bình phục, tiếp tục ở lại với buôn làng và hoạt động trong bí mật tới năm 1971...
Do sức yếu, tổ chức đưa ông ra Hà Nội điều trị. Ông về Bắc trong niềm hạnh phúc khôn tả khi nghĩ đến cảnh về nhà gặp lại vợ và con gái đã 17 tuổi. Vậy mà số phận trớ trêu, ông bước chân vào nhà thấy trên ban thờ là tấm ảnh của chính mình và trong phòng hai vợ chồng lại treo bộ quần áo của người đàn ông khác… Niềm vui bị xâm chiếm bởi sự sụp đổ và đau đớn đến tận cùng khi vợ ông cùng chồng mới và con gái bước vào nhà … Cả bốn con người đều vỡ òa trong xót xa và cay đắng… Ama Trang thương yêu vợ con và đau khổ bao nhiêu thì vợ ông lại hận mình và oán trách bản thân bấy nhiêu… Người cha dượng của con gái thì cảm thấy dằn vặt bởi thấy như mình cướp vợ của một người lính đi chiến đấu bảo vệ đất nước… Sau những ngày trăn trở suy nghĩ, Ama Trang quyết định trở lại miền Nam và viết đơn xin ly hôn để vợ ông danh chính ngôn thuận sống với người chồng mới… Ông ra đi để lại nỗi niềm day dứt vô bờ bến cho cả bốn con người, nhưng đó là giải pháp tốt nhất cho hoàn cảnh bấy giờ!
Điều cảm động nhất là gần 60 năm qua, từ 1954 tới tận hôm nay, dù ông đã đi bước nữa với một phụ nữ Hà Nội, nhưng vẫn luôn mang theo bên mình tấm hình bà Hoa như một điều vô cùng thiêng liêng, quý giá. 85 tuổi rồi, đi qua bom đạn hai cuộc chiến tranh, không nao núng, run sợ trước kẻ thù, trung kiên với Tổ quốc và nhân dân, nhưng ông lại rơi nước mắt khi nhắc về bà…
Chia tay tôi, ông còn đọc hai câu thơ đầy tâm sự như một lời tổng kết về cuộc đời mình:
Một đời chiến đấu, hi sinh
Chữ trung thì trọn, chữ tình lại vơi…
Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG