Hội nghị do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các doanh nghiệp tiêu biểu, hộ nông dân sản xuất giỏi và đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là “đầu tàu” trong nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) tới dự, ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị và phát biểu định hướng công tác có tác có tầm quan trọng đặc biệt này.
Đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là cơ hội tốt để tập hợp một cách khoa học trí tuệ, kinh nghiệm của các đại biểu thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, các nhà nghiên cứu, đóng góp các ý kiến có chất lượng phát triển khoa học công nghệ phục vụ công tác xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng, Nhà nước đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, khoa học công nghệ có tầm quan trọng mang tính chi phối đối với tiến trình phát triển chung của nhân loại, kinh tế-xã hội, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Nông nghiệp là một thế mạnh trong nền kinh tế, có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc phát triển các ngành kinh tế khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế đất nước nhiều năm tới. Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra cán cân, lợi thế trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng thời gian qua, kinh tế nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả như yêu cầu đề ra, tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chuỗi liên kết các nhà trong sản xuất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là người nông dân - chủ thể của tiến trình xây dựng nông thôn mới đời sống chưa được cải thiện rõ rệt; nền kinh tế nông nghiệp chưa đạt ở tầm ngành sản xuất lớn. Vẫn còn tình trạng người nông dân trả đất, chưa tiếp cận được khoa học công nghệ, sản xuất manh mún...
Trong bối cảnh đó, vai trò của khoa học công nghệ đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vai trò then chốt, trách nhiệm của các nhà khoa học là tích cực nghiên cứu, tổng kết, khắc phục và cải thiện chất lượng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống người nông dân, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Theo đánh giá của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, 5 năm qua, khoa học và công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã quy hoạch, hình thành được một số vùng chuyên canh, sản xuất nông sản quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… tạo tiền đề quan trọng cho phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất quy mô lớn.
Từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã dành hơn 2.100 tỷ đồng để triển khai các dự án giống, hạ tầng thủy sản, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện 3 phòng thí nghiệm trọng điểm…; nhờ đó đã nghiên cứu, chọn tạo được hàng trăm giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, được đưa vào sản xuất.
Gần 200 quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng trong thực tiễn, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý khoa học còn chậm đổi mới, vẫn mang tính hành chính; đội ngũ cán bộ khoa học tuy đông nhưng năng lực còn hạn chế; cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư mở rộng, nâng cấp nhưng còn yếu kém; kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn thấp so với tiềm năng và nhu cầu; kết quả nghiên cứu còn chậm được triển khai, ứng dụng trong thực tế. Nền nông nghiệp nước ta vẫn là sản xuất nhỏ, hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm còn thấp so với các nước trong khu vực.
Những tham luận đáng chú ý tại hội nghị là bài học kinh nghiệm từ thành tựu thực tiễn của một số doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu mạnh trên thị trường nông sản trong nước và xuất khẩu như: sản phẩm sữa TH; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, siêu thâm canh trong nhà kính của doanh nghiệp Hải Nguyên…; kết quả thực tế cũng như những khó khăn, vướng mắc từ các địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp trong cả nước.
Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu đầu ngành về nông nghiệp. Đáng chú ý là đề xuất của phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về việc cần hình thành đội ngũ các nhà khoa học chuyên sâu, đứng đầu trong các trường phái nghiên cứu, tránh tình trạng đông về số lượng nhưng không chuyên sâu như hiện nay.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ cũng đề nghị cần tạo điều kiện cho các nhà khoa học được nghiên cứu suốt đời về một đối tượng cụ thể, tránh tình trạng cứ vài năm lại chuyển đổi đề tài; tiếp tục sửa đổi chính sách tiền lương theo hướng dựa vào năng lực và trách nhiệm.
Tại hội nghị, một số nhà nghiên cứu cũng xuất tổ chức lại toàn bộ hệ thống nghiên cứu liên quan đến nông nghiệp đang nằm rải rác tại nhiều bộ, ngành để nâng cấp thành một Viện Nghiên cứu thống nhất trong cả nước.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đúc kết từ những bài học kinh nghiệm, thành tựu của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm phát triển kinh tế nông nghiệp, phù hợp với tình hình mới, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Nghị quyết đã định hướng quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới; đồng thời thể hiện rõ vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị sau hội nghị này, các nhà khoa học, cơ quan quản lý cần tiếp tục đánh giá đúng thực trạng, nhiều chiều, cả về chất và lượng vai trò, tác động của khoa học công nghệ, của đội ngũ nhà khoa học đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong 5 năm qua, từ đó, đề ra các giải pháp và hướng đi cụ thể, phù hợp với tình hình mới của đât nước trong thời gian tiếp theo.
Theo Vietnam+