Trước thực tế này, ngành y tế các địa phương đang chủ động tăng cường tuyên truyền đến người dân về biện pháp phòng tránh cúm A/H1N1, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ không để dịch bùng phát. Trong 2 tuần đầu của năm 2011, tại thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 3 ca mắc cúm A/H1N1 và gần đây nhất, Hà Nội cũng đã phát hiện 1 sản phụ mắc cúm A/H1N1 đầu tiên trong năm. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đa số các ca nhiễm cúm A/H1N1 ở thể nhẹ. Phân tích các chuỗi gen của virus cúm cho thấy chủng virus cúm A/H1N1 mùa này tương đồng với chủng H1N1 xuất hiện năm 2009, cũng như các chủng đang lưu hành trên thế giới.
Mặc dù cúm A/H1N1 mới xuất hiện rải rác ở một số địa phương, song theo các chuyên gia y tế, chủng virus cúm A/H1N1 vẫn tồn tại trong cộng đồng và tốc độ lây lan của dịch cúm này khá nhanh nếu các địa phương không chủ động phòng tránh, kiểm soát dịch, nhất là trong thời tiết lạnh như hiện nay.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: những nhóm người dễ bị biến chứng nguy hiểm nhất khi nhiễm cúm H1N1 là phụ nữ có thai, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, hen phế quản, phổi mãn tính, tim... Do vậy, khi có biểu hiện của hội chứng cúm, đặc biệt có biểu hiện khó thở, tím tái, ho ra máu, ho có đàm đặc, sốt cao trên 38,5 độ và kéo dài từ ba ngày, phản ứng chậm, thì phải đến cơ sở y tế để được điều trị, tránh biến chứng nặng và tử vong.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H1N1 xuất hiện rải rác ở một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và đang có chiều hướng gia tăng. Còn tại Châu Âu, từ đầu năm 2011 đến nay, các ca bệnh cúm A/H1N1 đã xuất hiện và gia tăng tại 28 nước.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm trên thế giới và khu vực, để chủ động và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong Tết Nguyên đán 2011 sắp tới, Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho các giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H5N1, A/H1N1, tả, sốt xuất huyết… Củng cố các đội cơ động chống dịch sẵn sàng triển khai nhiệm vụ khi được điều động. Chuẩn bị cơ số thuốc men, hóa chất, vật tư cho phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch thường xuất hiện trong mùa đông xuân và hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe bằng vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường... Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc triển khai công tác phòng chống dịch, đặc biệt phối hợp với ngành nông nghiệp trong việc giám sát, phát hiện, khai báo, xử lý dịch cúm A/H5N1, sử dụng rộng rãi cloramin B để khử trùng, tẩy uế, xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm.
Đây là động thái tích cực của ngành y tế trong việc chủ động ngăn chặn sự lây lan của cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người. Bởi theo cảnh báo của ngành nông nghiệp, hiện đang là thời điểm thuận lợi cho virut cúm gia cầm phát triển trong khi dịch bệnh này đã được phát hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm ở 3 tỉnh và nguy cơ virut cúm gia cầm phát tán, lây lan sang các tỉnh khác là rất cao.
Cùng với đó, hoạt động phòng chống dịch bệnh của ngành y tế ở các địa phương có cửa khẩu quốc tế cũng được thắt chặt hơn. Phát hiện cách ly và xử lý kịp thời để dịch bệnh không thể xâm nhập, lây lan vào nội địa. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành trong việc kiểm tra, giám sát gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.
Ngọc Hiệp (TH)