Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, đến nay công tác chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết đã được chuẩn bị chu đáo. Các Tập đoàn, Tổng công ty đầu ngành đã chuẩn bị một lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và góp phần giữ ổn định giá cả dịp Tết.

Các Tổng công ty đồ uống đã triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng một lượng bia, rượu, nước giải khát tăng khoảng 15-25% so cùng kỳ năm trước, các công ty lương thực đã chuẩn bị gần 60.000 tấn gạo các loại, dự trữ trên 165.000 tấn gạo, bố trí hàng trăm điểm bán hàng cố định, lưu động để phục vụ việc mua sắm. Các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu đều có kế hoạch tăng dự trữ, huy động các nhà máy đáp ứng phụ tải và dự phòng, không thực hiện các hoạt động trên lưới có cắt điện trong dịp Tết Nguyên đán.

Báo cáo từ các tỉnh thành cho biết đã có 29 địa phương thực hiện ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết với tổng số tiền trên 1.637 tỷ đồng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu của người dân như gạo, thịt, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rau củ quả, đường, bột ngọt, muối,…

Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu hàng hóa thiết yếu dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 20-25% so với ngày thường và các chương trình bình ổn giá đã được triển khai mạnh mẽ. Hà Nội tổ chức 665 điểm bán hàng bình ổn, gấp đôi năm ngoái, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức 2.546 điểm, tăng 358 điểm so với năm trước.

Bộ Công Thương nhận định năm 2011 được đánh giá là năm tương đối khó khăn đối với kinh tế cả nước, điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Tuy theo tập quán và truyền thống, nhu cầu hàng hóa Tết vẫn sẽ tăng cao (20-30% so với ngày thường và 10% so với năm trước), nhưng do đã tăng nhiều trong năm nên đến thời điểm Tết, giá cả được dự báo sẽ không còn tăng mạnh. Thị trường nếu có biến động mạnh sẽ chủ yếu ở các nhóm hàng có nhu cầu cao và dồn vào những ngày giáp Tết như thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây,…

Bộ Công Thương tin tưởng với sự chuẩn bị chủ động, thị trường sẽ không xảy ra tình trạng sốt giá, thiếu hàng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ngành Giao thông vận tải, ngành Y tế cũng cho biết đã chỉ đạo kịp thời công tác phục vụ Tết Nguyên đán. Dự báo, nhu cầu vận tải khách năm nay tăng khoảng 7-10% so với Tết năm ngoài và ngành Giao thông vận tải đã có các biện pháp tăng lượng phương tiện, tạo thuận lợi cho người dân mua vé...

Tại cuộc họp, các cơ quan liên quan cũng báo cáo, phản ánh về một số vấn đề cần tập trung chú ý như công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, vấn đề an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, phòng chống pháo, cháy nổ,… để đảm bảo Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn cho nhân dân.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương, đảm bảo nguồn cung cho thị trường hàng hóa Tết. Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp chuẩn bị, bình ổn, kiểm tra kiểm soát thị trường, nắm thông tin đầy đủ để xử lý kịp thời những hiện tượng biến động giá cả, cung – cầu.

Xác định đây là thời gian cao điểm của tội phạm, nạn hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng công an, biên phòng, Ban Chỉ đạo 127 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát từ cửa khẩu tới thị trường trong nước, chú ý ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ pháo nổ.

Bộ Thông tin và Truyền thông lưu ý vấn đề thông tin thị trường, không để thông tin phiến diện, nêu hiện tượng vội vàng, cá biệt, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng hoặc đối tượng đầu cơ lợi dụng. Các cơ quan báo chí khi đưa tin những mặt hàng có giá cả đột biến, nhất là 9 mặt hàng thiết yếu cần phải trao đổi, xác nhận với cơ quan quản lý chuyên ngành.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhắc nhở chú ý vấn đề an toàn giao thông, an toàn, lành mạnh trong văn hóa lễ hội dịp Tết.

Bảo Lâm