Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong cuộc họp chiều ngày 16/11 với các Bộ, ngành liên quan về tình hình giá cả, thị trường 10 tháng đầu năm, dự báo tình hình giá cả Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 và phương hướng điều hành chuẩn bị thị trường trong những tháng cuối năm.
Tổng hợp từ báo cáo các Bộ, ngành hữu quan cho thấy, thị trường Tết năm nay sẽ khác với mọi năm về áp lực tăng giá. Trước hết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2012 tăng 6,02% so với tháng 12/2011 và 7% so với cùng kỳ 2011, trong đó mặt hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống (nhóm có quyền số tính CPI lớn nhất) tăng thấp nhất (0,81%).
Cộng với tổng cầu trong nước có dấu hiệu giảm tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước, kéo theo giá hàng hoá thiết yếu ổn định hoặc giảm như lương thực, thực phẩm, xi măng, phân bón, thép xây dựng, đường…
Trong khi đó, cả nước vẫn tiếp tục thực hiện chỉ đạo điều hành của Chính phủ để kiềm chế tăng giá, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng cường dự trữ hàng hoá, đồng thời quyết liệt các biện pháp quản lý giá và thị trường, ổn định tỷ giá, hạ lãi suất.
Các yếu tố gây áp lực tăng giá liên quan thị trường quốc tế như giá xăng dầu, khí hoá lỏng có biến động mạnh. Trong nước, lộ trình đưa về giá thị trường đối với một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng như điều chỉnh giá điện tăng 5% kể từ 1/7/2012, dịch vụ hàng không tăng 1,6 - 6%, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục cũng tăng... tạo thêm áp lực với mặt bằng giá. Ngoài ra, lương tối thiểu đối với người hưởng lương NSNN tăng 26,5% kể từ 1/5/2012.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập thực tế thấp, ảnh hưởng đến sức mua và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không căng thẳng như những năm trước. Dự kiến, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất với đánh giá xu hướng thị trường, dự báo sức mua dịp Tết và tình hình triển khai các kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết của một số ngành, địa phương.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù thị trường Tết có thể không căng thẳng như mọi năm nhưng vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động đẩy mạnh các biện pháp chuẩn bị, đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường, ứng phó kịp thời với hiện tượng sốt giá cục bộ, diễn biến bất thường ở một số nhóm hàng, khu vực.
Trong đó, đáng lưu ý đối với mặt hàng thịt lợn, gà, trứng… đang gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao, bị ảnh hưởng bởi thông tin sử dụng chất cấm khiến giá giảm mạnh, dẫn tới hiện tượng treo chuồng. Hiện Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ hộ gia đình và trang trại chăn nuôi về tín dụng để nhanh chóng tái đàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến khả năng do sức mua thấp nên một số doanh nghiệp, tiểu thương có thể dè dặt trong việc sản xuất, dự trữ hàng Tết để có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn hàng. Hiện 42/63 địa phương đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thể chế hoá vấn đề bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, đảm bảo phòng dịch bệnh, lập các đoàn kiểm tra liên ngành trực tại điểm nóng về thị trường, tích cực chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời quản lý chặt, xử lý nghiêm các vi phạm về đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền về thị trường giúp người dân có thông tin chính xác, khách quan, tránh thông tin phiến diện, thiếu căn cứ, gây tâm lý tiêu cực, làm bất ổn thị trường.
Chí Đức