Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng

Sự kiện chính trị gây chú ý dư luận nhiều nhất tuần qua, có lẽ là Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận của sự nghiệp phòng, chống tham nhũng 8 năm qua, bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra cho mỗi chúng ta những điều đáng để suy ngẫm.

Một là, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng; nhưng tham nhũng vẫn là một quốc nạn, một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Nghĩa là, phòng, chống tham nhũng đã làm được rất nhiều việc, nhưng thế lực tham nhũng còn lớn, lực lượng tham nhũng còn nhiều; chúng ta chỉ mới giành được thắng lợi trên một số trận đánh lớn và nhỏ, chứ chưa làm cho “thế và lực” của “giặc nội xâm” bị suy yếu hoàn toàn, chúng vẫn là mối nguy cơ đe dọa đến tồn vong của chế độ. Nhìn trên thực tế, khi mà “tham nhũng vặt” vẫn còn rất phổ biến; “tham nhũng lớn” thì ngày càng tinh vi, thành lập những “liên minh ma quỷ” về lợi ích thì vấn đề này càng quá rõ ràng.

Hai là, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực... Thời đại nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”.

Khẳng định điều này rất quan trọng. Khi chúng ta thấy rõ, “tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”, thì cũng có nghĩa chừng nào còn quyền lực nhà nước thì lúc ấy còn tham nhũng; đảng chính trị nào muốn cầm quyền lâu dài, bền vững thì phải lo chống tham nhũng cho hiệu quả. Đảng ta đã thấy rõ vấn đề này, thấy rõ sự cần thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực vào chiếc lồng cơ chế”.

Nói thì dễ, làm mới khó. Thể chế phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã làm nhiều nhưng chưa đủ. Biết bao quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhưng thời gian vừa qua, hiện tượng “củi vào lò” vẫn nườm nượp. Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ kinh tế. Trong đó, có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng đương chức, nguyên Bộ trưởng, tướng lĩnh (LLVT)...

Khẳng định “tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực” cũng có nghĩa là công việc phòng, chống tham nhũng không thể tổ chức theo kiểu phong trào để kêu goi, vận động quần chúng nhân dân tự giác tham gia. Hơn ai hết, đảng cầm quyền và nhà nước phải lo tổ chức phòng, chống tham nhũng. Bởi khuyết tật từ quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng quyền lực. Vai trò của quần chúng nhân dân rất quan trọng, nhưng phải được thể chế hóa, thiết chế hóa thành quyền lực chứ không thể hô hào suông như lâu nay chúng ta vẫn làm.

Trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã thấy rõ nếu chỉ kêu gọi chung chung mà không có các thể chế, thiết chế cụ thể thì công cuộc phòng, chống dịch không có hiệu quả. Các nhà nước theo mô hình dân chủ phương Tây lúc đầu đã quá nhấn mạnh vấn đề dân chủ, quyền con người, dẫn tới không áp dụng các biện pháp cách ly, truy vết dịch... dẫn tới bệnh dịch bùng phát. Nhiều nước phương Đông, với “bàn tay sắt” của nhà nước, rõ ràng đã thành công hơn trong phòng, chống dịch.

Phòng, chống tham nhũng - cũng cần “bàn tay sắt” của Nhà nước và xét đến cùng cũng là vì quyền lợi của nhân dân, vì “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

Theo một cuộc điều tra, chỉ có 6% dân số Việt Nam không chấp thuận tham nhũng; trong khi tỷ lệ này ở một nước có nền hành chính liêm chính là Thụy Điển thì có tới 70% dân số không chấp thuận tham nhũng. Con số này có cơ sở, bởi người Việt Nam tuy rất ghét tham nhũng, nhưng phần đông đều sẵn sàng lót tay cho cảnh sát khi vi phạm quy định an toàn giao thông; sẵn sàng phong bì biếu bác sĩ khi có người nhà nằm viện; sẵn sàng “lót đó luồn đây” khi đến các cơ quan công quyền “cho được việc”...

Rõ ràng, muốn huy động người dân vào cuộc phòng, chống tham nhũng; phải thể hiện bằng thể thế và thiết chế, chứ không chỉ tổ chức kiểu phong trào trong các đoàn thể quần chúng!

Thanh Hà