Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hiện nay toàn Đảng đang tích cực làm công tác chuẩn bị Văn kiện và nhân sự.

Ngoài sự quan tâm xây dựng các văn kiện của Đại hội đảng bộ các cấp, nhất là văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đảng viên và nhân dân đang kỳ vọng vào đội ngũ cấp ủy, đồng thời là cán bộ lãnh đạo chính quyến, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội nhiệm kỳ tới.

Trong Chỉ thị 35-CT/TƯ, Bộ Chính trị chỉ rõ tiêu chuẩn, cơ cấu, quy trình nhân sự tuyển chọn cấp ủy viên… Tuy vậy, nhiều người vẫn còn băn khoăn, vì nhìn lại các kỳ Đại hội trước và gần đây nhất là trước Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đều có các chỉ thị, hướng dẫn quy định rất cụ thể, nhưng vẫn để lọt một số người không đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy mà sau này mới phát hiện ra vi phạm phải xử lý. Vậy làm sao để lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn vào cấp ủy nhiệm kỳ tới?

Theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trước hết phải căn cứ vào tiêu chuẩn để lựa chọn và đây là công việc quan trọng của quan trọng.

Tiêu chuẩn cấp ủy viên, tiêu chuẩn cán bộ đã được nêu rất đầy đủ trong Chỉ thị 35 CT/TƯ và Quy định số 89, Quy định số 90 của Bộ Chính trị Khóa XII, gói gọn vào 2 phẩm chất là năng lực và đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là tài và đức.

Tài phải gắn với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ người đó đảm nhiệm và thể hiện qua kết quả cụ thể; đức được đo bằng phẩm chất, lối sống, quan hệ xã hội của người đó. Không thể nói một cán bộ có năng lực tốt khi địa phương, cơ quan, đơn vị người đó phụ trách không đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, để dân đói, dân khổ; để xảy ra các vụ việc mất trật tự trị an, rừng bị tàn phá, tài nguyên, khoáng sản bị khai thác kiệt quệ; để đất công biến thành đất tư, tham nhũng tràn lan; để các vụ khiếu kiện kéo dài, thậm chí có việc Chính phủ phải nhiều lần nhắc nhở vẫn không thực hiện...

Không thể coi những người kê khai tài sản không minh bạch, tự nhiên giàu lên như “hốt được của”; những người phía sau có những công ty bình phong của vợ, con, người thân chuyên thầu các dự án béo bở, ký phê duyệt các dự án làm hại đất nước vì lợi ích nhóm; những người kéo cả họ vào làm quan, để nội bộ mất đoàn kết, hay “dĩ hòa vi quý”, sống xa hoa hay quan hệ bất chính hoặc vô cảm trước nỗi đau của dân là đạo đức tốt được!

Tiêu chuẩn là vậy, nhưng làm thế nào để lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn? Theo quy định, cấp ủy cũ chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy mới nên nếu còn đủ tuổi không mấy người tự loại mình ra hoặc hết tuổi, họ tìm cách đưa người thân, cánh hẩu vào. Vì vậy, ngoài sự chuẩn bị của cấp dưới, trách nhiệm của cấp ủy trên là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, để có đầy đủ thông tin đánh giá đúng cấp dưới, cần có cơ chế thực sự dân chủ để phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân và có cơ chế để phát huy vai trò của các cơ quan báo chí. Nhưng quan trọng nhất là cái tâm của của những người được giao trọng trách này. Vì vậy, phải gắn trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc quản lý nhân sự cấp dưới; nếu sau này phát hiện nhân sự mới được bầu vào cấp ủy có vi phạm, khuyết điểm từ trước mà cấp trên không phát hiện được thì người đứng đầu và cán bộ theo dõi cấp ủy đó phải chịu một phần trách nhiệm.

Điểm cuối cùng đóng vai trò quyết định là trách nhiệm của những người tham gia bầu cấp ủy. Ở cơ quan, đơn vị có dưới 200 đảng viên, tổ chức đại hội toàn thể, các đảng viên tham gia đại hội cùng sinh hoạt với nhân sự được bầu, chắc chắn sẽ hiểu rõ từng người để lựa chọn.

Vấn đề là đừng để những mối quan hệ đời thường chi phối, đừng quan niệm ông nào cũng được, miễn là dễ sống để bỏ phiếu cho xong chuyện. Đối với những nơi đại hội đại biểu đảng viên, người bỏ phiếu phải thấy vinh dự, tự hào hết sức to lớn được thay mặt cho hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn đảng viên của mình để làm tròn trách nhiệm cá nhân trong lựa chọn những người gánh vác công việc của Đảng,  đất nước trong 5 năm tới. Từ đó, nghiên cứu tìm hiểu kỹ càng để lựa chọn những người thật sự tiêu biểu, đủ năng lực và phẩm chất bầu vào cấp ủy.

Ngoài những quy định trong Chỉ thị 35 đã nêu, một vấn đề thuộc về kỹ thuật là bố trí thế nào để đại biểu (hoặc đảng viên) có thời gian cân nhắc và giữ được bí mật với lá phiếu của mình. Việc phát phiếu bầu sau 5-7 phút đã tiến hành bỏ phiếu và các đại biểu ngồi gần sát nhau, người nọ có thể quan sát được người kia thật bất tiện, cần thay đổi.

Thành công của Đại hội đảng bộ các cấp là bước chuẩn bị tốt nhất, nhất là trong lựa chọn được một đội ngũ cấp ủy, cán bộ thực sự tiêu biểu, đủ phẩm chất, năng lực gánh vác trách nhiệm đưa đất nước đi lên.

Chung Anh