
Kết luận Thanh tra của NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng sau khi cho vay thêm chỉ một khách hàng, tín dụng tại KLB Đông Sài Gòn tăng đột biến.
Kết luận Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, sau khi cho vay thêm chỉ một khách hàng, tín dụng tại KLB Đông Sài Gòn tăng đột biến. Ở diễn biến khác, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo phải thanh tra các ngân hàng có “sân sau” là doanh nghiệp bất động sản.
Cho vay thêm một khách, tín dụng KLB Đông Sài Gòn tăng đột biến
Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã công bố Kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - KLB) Chi nhánh Đông Sài Gòn. Nhiều nội dung được đưa ra nhưng nổi bật nhất vẫn là hoạt động tín dụng.
Theo đó, kết quả Thanh tra đã xác định những vi phạm, tồn tại, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng (bao gồm: Cấp tín dụng cho khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn; thẩm định và quyết đinh cho vay/xét duyệt cấp bảo lãnh chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ; thực hiện chưa đúng quy định về kiểm tra sử dụng tiền vay; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro không đúng quy định; tồn tại về định giá tài sản đảm bảo, về sửa đổi bổ sung hợp đồng thế chấp).
Kết luận thanh tra đánh giá cả huy động vốn và cho vay tại KLB Đông Sài Gòn đều ở mức thấp. Cuối năm 2023 huy động vốn thậm chí còn giảm. Nhưng kể từ cuối năm 2021 và 2022, dư nợ tăng mạnh do phát sinh khoản vay của một khách hàng trong năm 2021. Đến ngày 30-11-2023, dư nợ tăng đột biến do phát sinh thêm khoản vay của một khách hàng.
KLB Đông Sài Gòn bị kết luận có sự mất cân đối giữa huy động vốn và cho vay; cấp tín dụng cho khách hàng không đủ điều kiện vay vốn; tồn tại trong định giá tài sản; vi phạm trong hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài. “Hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rủi ro là hệ quả của những vi phạm, tồn tại về thẩm định và quyết định cấp tín dụng, về kiểm tra sử dụng tiền vay, của việc tập trung cấp tín dụng vào một số ít khách hàng”, Kết luận thanh tra nhấn mạnh.
Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến các vi phạm tại KLB Chi nhánh Đông Sài Gòn. Trong đó, đáng chú ý, cơ quan này yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xác định, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các vi phạm, tồn tại về thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng, phân loại nợ thuộc trách nhiệm của các Phòng/Ban/Hội đồng tín dụng thuộc Hội sở KLB; đồng thời chỉ đạo KLB Đông Sài Gòn thực hiện việc xử lý, chấn chỉnh, kiểm điểm, xác định trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các vi phạm, tồn tại đã được nêu trong Kết luận thanh tra.
Kết luận thanh tra đã đưa ra khuyến nghị với KLB Hội sở, KLB Đông Sài Gòn liên quan đến việc thẩm định giá/tái thẩm định giá tài sản đảm bảo; việc tập trung tín dụng vào một số khách hàng, đặc biệt là các khách hàng có phương án kinh doanh/dự án đầu tư liên quan đến các dự án bất động sản tại các địa bàn mà KLB khó kiểm tra, giám sát sau khi cấp tín dụng.
KLB đã chấp hành và khắc phục theo các kiến nghị của thanh tra
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam, ODE Group, đơn vị được ủy quyền của Tập đoàn Sunshine và KLB cho biết: Hoạt động thanh tra của Ngân hàng Nhà nước là hoạt động duy trì 2-3 năm/lần với các ngân hàng, để kiểm tra và giám sát các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, không phải hoạt động đột xuất hay KLB có vấn đề nghiêm trọng bị kiểm tra đột xuất. ODE Group khẳng định KLB đã chấp hành và khắc phục theo các kiến nghị của thanh tra.
Trong đó: Đối với những khách hàng có dư nợ thuộc diện cảnh báo, ngân hàng rà soát toàn hệ thống để đánh giá được thực chất về pháp lý, tính khả thi của phương án vay và việc sử dụng tiền vay của khách hàng. KLB chỉnh sửa, khắc phục những vi phạm đang tồn tại thông qua việc thẩm định/tái thẩm định giá tài sản đảm bảo; dịch chuyển dòng vốn tín dụng, tránh sự tập trung và ưu tiên dòng vốn cho hoạt động kinh doanh; cân bằng giữa huy động và tín dụng để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Nhà băng này chỉ đạo kiểm tra kiểm soát các đơn vị kinh doanh trong hệ thống về quản lý, theo dõi chặt chẽ đối với các khoản giải ngân cho đơn vị thụ hưởng, đảm bảo kiểm soát rủi ro tín dụng, hiệu quả hoạt động và an toàn vốn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát lại những hồ sơ còn dư nợ tại thời điểm 30-11-2023 chưa được thanh tra.
Thanh tra các ngân hàng có doanh nghiệp bất động sản là “sân sau”
Ở một diễn biến khác, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2025 đã đề cập tới ngân hàng có doanh nghiệp bất động sản là “sân sau”. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần có "sân sau" là các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản".
Như đã nêu trên, tín dụng tại KLB Đông Sài Gòn từng tăng đột biến sau khi cho chỉ một khách hàng vay. Tuy nhiên, Kết luận thanh tra lại không hé lộ danh tính khách hàng “may mắn” của KLB Đông Sài Gòn. Dù vậy, trong khuyến nghị, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có đề cập đến bất động sản.
Trong khi đó, KLB nằm trong hệ sinh thái liên quan đến ông Đỗ Anh Tuấn, đại gia bất động sản, “linh hồn” của Tập đoàn Sunshine. KLB không cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine vay nhưng lại rót vốn cho một số đơn vị liên quan. Ví dụ, trong hơn nửa năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine Sài Gòn đã 2 lần vay vốn tại KLB. Theo đó, vào ngày 8-5-2024, Sunshine Sài Gòn ký hợp đồng tín dụng với KLB Chi nhánh Trà Vinh, giá trị khoản vay hơn 221 tỷ đồng. Tới ngày 23-1-2025, Sunshine Sài Gòn ký hợp đồng với KLB Chi nhánh Hà Nội, giá trị khoản vay đạt hơn 878 tỷ đồng.
Võ Hóa