Theo phân tích của các chuyên gia, những cải cách trong chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam như bỏ ưu đãi và đảm bảo về vốn đối với các doanh nghiệp nhà nước; hạn chế mức đầu tư tối đa của các doanh nghiệp này vào các lĩnh vực không thuộc ngành nghề chính là 15% tổng vốn kinh doanh; quy định vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập ngân hàng là 150 triệu USD (trước đây không quy định), nâng hệ số an toàn tối thiểu lên 9% (trước đây là 8%); kiểm soát cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, hạn chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%/năm và tạm thời dừng cấp phép mở chi nhánh ngân hàng;.. đã bắt đầu cho thấy những hiệu quả đáng mong đợi.

Cụ thể, tổng khối lượng đầu tư trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 45% trong quý I/2010 xuống còn 38% trong quý I/2011, trong khi tỷ trọng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước giảm từ 43% xuống còn 34% GDP. Tăng trưởng tín dụng và nguồn cung tiền giảm mạnh, nhập khẩu cũng giảm đáng kể.

Với hiện trạng nền kinh tế như hiện nay, đã có thể tin tưởng chắc chắn là lạm phát ở Việt Nam, hiện ở mức cao nhất nhì châu Á, có thể đã đạt đỉnh. Tăng trưởng GDP trong quý III/2011 đạt 5,8%, trong khi xuất khẩu tháng Chín tăng 35,4% và sản lượng công nghiệp tăng 12%.

Cùng với thông tin chính phủ sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách trong năm tới, các nhà đầu tư có thể sẽ ồ ạt quay trở lại Việt Nam./.

A Hoàng