**TRẦN ĐĂNG KHOA:
**
Chẳng hay ho gì khi đi đâu cũng có người chỉ chỉ, trỏ trỏ đâu em Hòa ạ (Lão xin phép xưng hô như thế). Hạnh phúc nhất là được làm một người vô danh để lẫn vào đám đông.
Mà bảo lão Khoa đi đâu ai cũng biết thì cũng nhầm đấy. Tôi nhớ có lần lão Khoa đi cùng nhà thơ Ngọc Bái lên một huyện vùng cao. Nhà thơ Ngọc Bái là Giám đốc Sở Văn hoá kiêm Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái. Anh đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Nhưng bấy giờ lão Khoa và anh đang theo học ở Trường viết văn Nguyễn Du.
Chúng tôi tới đúng lúc Hội nghị huyện khai mạc. Đại biểu đều là Xã đội trưởng. Toàn đàn ông. Nhưng trông ai cũng giống nhau vì đều mặc quần đen, kiểu quần đàn bà nhà quê, đi chân đất và đeo xà cột.
Vấn đề mấu chốt mà Hội nghị “quán triệt” là không để người chết nằm lâu trong nhà và khi đưa tang, không bắn súng, tốn quá nhiều đạn. Thấy chúng tôi, ông Chủ toạ người Mông mừng lắm, rồi giới thiệu: "Rất vinh hạnh cho hội nghị chúng ta hôm nay, đến dự có hai nhà thơ nổi tiếng Trường viết văn Nguyễn Du của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Chính trị, đó là nhà thơ Thế Bái (Thi sĩ Ngọc Bái đỏ bừng mặt. Lão Khoa ghé tai anh: Bác viết thế là chẳng ra cái quái gì nhé, đến cả cái tên mình người ta cũng không biết thì còn gì khổ bằng) và đặc biệt vinh hạnh hơn là chúng ta còn được đón nhà thơ Bế Phụ Khoa. Đề nghị bác Phụ Khoa đứng lên để bà con nhìn mặt nào!". Ngọc Bái nhảy cúa lên vì đã có người cùng hội cùng thuyền. Tôi mang cuốn sách theo, tặng bà con. Nhà thơ Ngọc Bái dặn: "Cậu nhớ phải ghi rõ: Đây là Chính Khoa chứ không phải Phụ Khoa đâu nhá".
Cũng chưa biết có dịp nào Lão được đi cùng Vũ Thúy Hoa, nhưng nếu chỉ đi để biết chính xác lời đồn đoán của thiên hạ thì “người trong cuộc” đã giúp Hoa biết thực chất rồi đó.
TĐK