Thủ tướng Phạm Minh Chính theo dõi trên bản đồ tiến độ thi công tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu.
Xông xáo, thực tiễn, quyết liệt và trí tuệ là những ấn tượng về những hoạt động của Thủ tướng ngay những ngày đầu tiên của năm mới. Việc sớm ban hành Chỉ thị 01 đã đặt nền kinh tế vào một nhịp rất khẩn trương và tạo ra khí thế mới cho nền kinh tế.
Ngay sớm ngày 4-2-2022 cũng là ngày mùng 4 Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bắt đầu chuyến công tác đặc biệt “xuyên Việt, xuyên Tết” kéo dài 3 ngày, trên cung đường bộ dài gần 1.600km và nhiều chặng bay vào Nam ra Bắc.
Với lịch trình di chuyển, kiểm tra và làm việc dày đặc gần như không nghỉ trong ba ngày, chuyến công tác của Thủ tướng đã mang lại ý nghĩa và kết quả quan trọng trên nhiều mặt, nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đúc rút các kinh nghiệm, bài học trong công tác thi công ở một số các dự án trọng điểm trên tuyến giao thông phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã bày tỏ nỗi trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ triển khai được trên 1.000km cao tốc. Còn đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ, phải xử lý tình huống, dẫn tới bị động, lúng túng và hiệu quả không cao. Nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì đầu tư công không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thủ tướng một lần nữa khẳng định quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”. Thủ tướng cũng yêu cầu phải triển khai công việc phải thực chất, nghiêm túc, hiệu quả.
PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam: “Chuyến đi này như một định hướng, hành động cho nền kinh tế, rằng trọng tâm mà Chính phủ quan tâm hiện nay vừa cấp bách nhưng cũng vừa có tính chiến lược. Đó là những dự án đầu tư công có tính chất khai thông huyết mạch cho nền kinh tế. Ý nghĩa rất quan trọng, ở chỗ thông qua các dự án này, Chính phủ muốn tiếp thêm nguồn lực cho nền kinh tế phát triển”.
Trở về sau chuyến đi, ngày 8-2, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg, về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ thị đã nêu lên các đầu việc cụ thể và giao cho các Bộ, ngành, địa phương với thời hạn rõ ràng. Đọc kỹ Chỉ thị 01, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: Chỉ thị đã đặt nền kinh tế vào một nhịp rất khẩn trương để có thể khắc phục từ sớm những khó khăn, vất vả của giai đoạn trước; tạo ra khí thế mới cho nền kinh tế, khơi dậy hy vọng chúng ta hoàn toàn có thể khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong năm 2022 và đà tăng trưởng sẽ trở lại”.
Còn TS. Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam bày tỏ: “Thủ tướng trực tiếp có mặt tại hiện trường, lắng nghe lãnh đạo địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu của các công trình trọng điểm, chỉ đích danh những hạn chế đang gây cản ngại đối với quá trình triển khai các dự án và công trình trọng điểm, và khái quát, tổng hợp thành những vấn đề mang tính thể chế và chính sách hiện đang là điểm nghẽn trong lĩnh vực đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng. Chúng ta hoàn toàn hy vọng sẽ có những chuyển mình mạnh mẽ về đầu tư công, về tốc độ và chất lượng thực hiện các công trình trọng điểm, cũng như về kỷ luật và phong cách làm việc của các địa phương, các Bộ - ngành, các chủ đầu tư và các nhà thầu. Chỉ thị 01 cũng đã “chạm” vào các vấn đề bức xúc nhất của đầu tư công, nên tôi tin chắc chắn sẽ có những thay đổi tích cực trong tiến độ giải ngân, chất lượng dự án đầu tư công ngay trong năm 2022”
Theo Giám đốc của Economica: Chỉ thị 01 với những đầu việc cụ thể được giao tới địa chỉ rõ ràng và cùng thời hạn đã tỏ rõ thông điệp để doanh nghiệp có thể an tâm triển khai các kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn cho 5-10 năm tới. Thời doanh nghiệp phải “đánh cờ nước một” do các văn bản điều hành thay đổi liên tục vì dịch bệnh đã chấm dứt, sẽ là hậu thuẫn cho các kế hoạch phục hồi và phát triển của doanh nghiệp”.
Từ hành động và chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, tinh thần hào hứng, khí thế của cả nền kinh tế đã được nâng lên khá cao từ đầu năm. Với tinh thần và khí thế đó, và với các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tốt, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ có động lực rất mạnh để trỗi dậy.
TS. Đặng Duy Bình
Một số nội dung trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8-2-2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đợt 2 để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2022; rà soát phần vốn còn lại chưa giao chi tiết, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền theo quy định; rà soát tình hình và kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2021 để đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp đối với số vốn còn lại chưa giải ngân được.
Báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán việc tổ chức hội nghị toàn quốc đôn đốc về công tác quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch theo quy định
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ; khẩn trương trình Chính phủ việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử theo đúng lộ trình quy định.
Có giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước ngay từ khâu phân bổ, nhất là chi thường xuyên, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; tận dụng dư địa tăng thu ngân sách nhà nước, nhất là dư địa thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ nền tảng số; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần bội chi ngân sách nhà nước tăng thêm để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội).
Chủ động phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xuất cấp, giao nhận 3.543,795 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2022.
Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan đẩy nhanh hơn nữa tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo tiền khả thi các dự án quan trọng quốc gia để trình Quốc hội Khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dự án đường Vành đai 3 T.P Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và các dự án quan trọng khác.
Tập trung đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công xây dựng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Tăng cường thanh tra chuyên ngành các dự án đầu tư công để chấn chỉnh kịp thời sai phạm ngay từ đầu.