Với đà tăng này, cộng với những diễn biến bất lợi tác động và quy luật tiêu dùng “nóng” cuối năm, khả năng CPI cả năm 2010 không giữ được mốc 8%.
Theo số liệu công bố ngày 23/10 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung. Nhóm giáo dục tiếp tục dẫn đầu tháng thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh nhất là 3,9%. Tiếp đến là hai nhóm có mức tăng trên 1% gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%, trong đó lương thực tăng 1,89%, thực phẩm tăng 1,22%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%; Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,04%.
Các nhóm có mức tăng dưới 1% gồm đồ uống và thuốc lá; hàng hóa và dịch vụ khác; thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón, giày dép; thuốc và dịch vụ y tế; văn hóa giải trí và du lịch. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục nhiều tháng liên tiếp giảm 0,07%.
Nhìn nhận về nguyên nhân CPI tháng 10 tiếp tục tăng mạnh, Vụ trưởng Vụ giá Tổng cục Thống kê Nguyễn Đức Thắng cho rằng, trong tháng 10, một số tỉnh trong nhóm 20 tỉnh chưa tăng học phí đồng loạt điều chỉnh mức học phí ở nhiều cấp, đã đóng góp khoảng 0,25% vào mức tăng chung CPI cả nước.
Bên cạnh đó, do giá gạo xuất khẩu thế giới tiếp tục tăng mạnh (nguồn cung lương thực giảm) trong khi tại các tỉnh phía Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường thu mua lúa gạo để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã “đẩy” giá gạo trong nước tăng rõ rệt.
Mặt khác, giá một loạt các mặt hàng thiết yếu như khí hóa lỏng LPG, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, sữa tiếp tục “điệp khúc” tăng giá đã “kéo” CPI tháng 10 tăng mạnh. Đặc biệt, do ảnh hưởng nặng nề của các đợt thiên tai, lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, giá lương thực, thực phẩm…đã bị tăng “đột biến” bởi nguồn cung bị giảm mạnh.
Một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, ngoài các yếu tố bất lợi tác động kép đẩy CPI tháng 10 tăng như Tổng cục Thống kê nhận định, chính sách lãi suất và chính sách tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam hiện nay tiếp tục tạo “sức ép” bất lợi khiến giá cả nhiều nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và các hàng hóa thiết yếu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng như sữa, thuốc… tăng mạnh.
Thêm vào đó, CPI tháng 10 tăng còn có sự đóng góp đáng kể tăng CPI của “đầu tàu” kinh tế Hà Nội (tăng 1,22%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước) khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, với diễn biến bất lợi của thiên tai trên thế giới và ở trong nước, giá lương thực, thực phẩm (nhóm hàng có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa chung) sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng 11, nhất là tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cũng như miền Trung bởi nguồn cung về thực phẩm chủ yếu như thịt bò, thủy sản, thịt lợn... sẽ khan hiếm hơn.
Lý do bởi trong đợt lũ lụt vừa qua, các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh bị thiệt hại rất nặng nề; mất trắng nhiều gia súc, gia cầm… trong khi đây là hai địa phương cung cấp chủ yếu thực phẩm cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, các áp lực khác “kéo” giá tiêu dùng đi lên vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Vì vậy, CPI tháng 11 sẽ còn tăng cao hơn mức tăng tháng 10.
Trong tháng 10, cả vàng và USD đã song hành tăng đột biến. Giá vàng trên thị trường tăng 7,87% so với tháng 9, tăng 38,01% so với tháng 10/2009 do biến động giá vàng thế giới; đưa giá vàng 10 tháng qua tăng 13,47% so với tháng 12/2009 và tăng 37,45% so với bình quân 10 tháng 2009.
Giá USD trên thị trường tự do cũng tăng 0,6% so với tháng 9 (có thời điểm vượt mốc 20.000 đồng/USD), tăng 8,37% so với tháng 10/2009; đưa giá ngoại tệ này tăng 3,52% so với tháng 12/2009 và 7,21% so với bình quân 10 tháng 2009./. Theo TTXVN
A Hoàng