Bác Hồ đọc bia tại khu di tích Côn Sơn ngày 15-2-1965 (Rằm tháng giêng năm Ất Tỵ 1965).
Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết di chúc” của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: Ngày 15-2-1965, Bác Hồ về "thăm" Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Rồi đây, các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Cách nhau hơn 5 thế kỷ (1380-1890) mà sao có những trùng hợp kỳ lạ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân;là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc của nhân dân.
Viết về danh nhân Nguyễn Trãi (1380-1442), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết: “Nguyễn Trãi, người Anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, văn là chính trị, cứu nước, cứu dân, nội trị, ngoại giao mở nền thái bình muôn thuở, rửa nỗi hẹn ngàn thu; võ là quân sự, chiến lược và chiến thuật, yếu đánh mạnh, ít địch nhiều… thắng hung tàn bằng đại nghĩa; văn và võ đều là vũ khí, mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao”.
Trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Trãi là một trí thức lớn, một trong những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Hơn thế, Nguyễn Trãi còn là một nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XV, một trong những tư tưởng tiêu biểu của Nguyễn Trãi, là tư tưởng nhân nghĩa. Tư tưởng ấy có phạm vi hết sức rộng lớn, nó vượt ra ngoài đường lối chính trị thông thường và đạt tới mức khái quát cao.
Nhân nghĩa trong quan điểm của Nguyễn Trãi trước hết gắn chặt với tư tưởng vì dân và yên dân: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Nhân nghĩa chính là yêu nước, thương dân, là trừ bạo cứu nước, cứu dân. Để yên dân phải bảo đảm cho dân có được một cuộc sống ấm no, yên bình. Muốn đánh giặc cứu nước phải biết phát huy sức mạnh toàn dân mà kháng chiến, còn khi thái bình thì phải chăm lo sức dân, để dân yên ổn, dân tin. Đó là tư tưởng có tính trường tồn, một quy luật dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Nhân nghĩa là cái gốc của người lãnh đạo, của bậc quân vương "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, việc công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”. Nguyễn Trãi đã đưa ra một chân lý: phải giương cao ngọn cờ “nhân nghĩa, an dân”, phải cố kết lòng dân làm sức mạnh của nước, làm thế nước. Ông chủ trương cứu nước bằng sức mạnh của dân, muốn lấy lại được nước phải biết lấy sức dân mà kháng chiến.
Cùng với an dân, Nguyễn Trãi còn có tư tưởng trọng dân, ơn dân. “Dân chúng” vẫn luôn được ông nhắc tới và đề cao không chỉ khi “nếm mật, nằm gai” chống giặc mà cả sau khi kháng chiến đã thành công. Khi đã làm quan trong triều đình, được hưởng lộc vua ban, Nguyễn Trãi đã nghĩ ngay đến nhân dân, những người dãi nắng dầm mưa, những người lao động cực nhọc“Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Trong suốt cuộc đời của mình, Nguyễn Trãi đã có cuộc sống gần gũi, gắn bó với nhân dân, hòa mình vào nhân dân. Do đó, ông đã nhận thấy rất rõ những đức tính cao quý của nhân dân, hiểu được nguyện vọng tha thiết của nhân dân, thấy rõ được sức mạnh vĩ đại của nhân dân trong sáng tạo lịch sử.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi còn là ý tưởng xây dựng một đất nước thái bình, cầu hiền tài giúp nước, giúp dân. Trong Chiếu cầu hiền tài, ông cho rằng:“người tài ở đời vốn không ít”, nên triều đình phải cầu hiền bằng nhiều đường, nhiều cách như học hành thi cử; hoặc tiến cử “văn võ đại thần, công hầu, đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì… tùy tài trao chức”. Có thể nói, “chiến lược con người” của Nguyễn Trãi, cho đến nay, vẫn mang đậm tính thời sự sâu sắc...
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trở thành nền tảng, cơ sở của đường lối và chuẩn mực của quan hệ chính trị, là nguyên tắc trong việc quản lý, lãnh đạo quốc gia. Đó chính là tư tưởng vì dân vì nước. Không chỉ có ý nghĩa to lớn trong thời đại mình, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, tư tưởng ấy còn có ảnh hưởng sâu rộng đến thực tiễn chính trị của đất nước trong những thời đại sau này.
Hồi ký của đồng chi Vũ Kỳ có viết: “Bác Hồ thường nêu gương các vị Anh hùng dân tộc đời trước để giáo dục các thế hệ ngày nay. Đặc biệt mỗi lần nhắc đến Nguyễn Trãi, Bác biểu lộ một tấm lòng ưu ái và khâm phục sâu sắc”.
Kế thừa tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa lên tầm cao mới, tư tưởng vì con người và cho con người. Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh bắt nguồn từ những truyền thống tốt đẹp được hun đúc trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở truyền thống nhân nghĩa của dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại cùng với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản đã làm cho tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh có bước chuyển hoá về chất, nâng lên tầm cao mới.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là hướng tới giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người;khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa động lực cho sự phát triển của xã hội, phải tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, thấy được sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Vì vậy, mỗi suy nghĩ, mỗi hành động của Bác đều bắt nguồn từ lòng yêu thương con người và đấu tranh cho hạnh phúc của con người; hướng tới lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh là hết lòng nâng niu giá trị con người, tự do và nhân phẩm con người, tin cậy vào những gì tốt đẹp của con người. Theo Người: Ở đời, con người không có ai là thần thánh cả, ai cũng có cái hay và cái dở, cái tốt và cái xấu. Phải làm sao cho cái hay, cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân, cái xấu, cái dở sẽ mất dần đi. Phải có sự cảm thông, chia sẻ, động viên, giúp đỡ, có lòng bao dung, độ lượng vĩ đại. Nghiêm với mình, rộng lòng khoan thứ với người, đó là thái độ nhân văn cao quý của Hồ Chí Minh.
Với tư tưởng “có dân là có tất cả”, Người đã dành cả cuộc đời chăm lo cho rừng cây đại đoàn kết dân tộc đâm chồi, nảy lộc, nở hoa, kết trái.Muốn đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung với con người. Người viết:“Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ”. Người chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, lâu dài, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối thống nhất. Đại đoàn kết dân tộc phải trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân tộc; phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức - tổ chức đó chính là Mặt trận Dân tộc thống nhất. Mục tiêu xuyên suốt của Mặt trận là tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ vẻ vang của Tổ quốc trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn của cách mạng.
Yêu thương, quý trọng con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không dừng lại ở sự đồng cảm chia sẻ, mà đứng trên lập trường của giai cấp công nhân và chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chân chính. Tình yêu thương ấy luôn gắn với những hành động cụ thể, không chỉ giới hạn trong phạm vi dân tộc mà còn vươn tới tầm nhân loại. Đúng như ngài Rômét Chanđra - nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Có thể nói tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển lên tầm cao tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cùng gặp nhau ở chữ DÂN. Tư tưởng của hai bậc vĩ nhân, hai Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới sẽ bền vững, trường tồn mãi với thời gian, không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của dân tộc Việt Nam, mà còn mang tầm thời đại lớn lao vì tư tưởng ấy thấm đượm một chủ nghĩa nhân văn cao cả, đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng cháy bỏng và sâu xa của dân tộc và nhân loại.
Phạm Minh Tiệp