Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê và làm tại Công ty đá hoa Đông Anh, Hà Nội, nhưng hằng năm gia đình anh vẫn thiếu ăn từ 2-3 tháng. Năm 2003, anh quyết định đưa cả gia đình (mẹ già cùng vợ và 3 con nhỏ) lên định cư tại thôn Gốc Quéo. Với số tiền bán tài sản ở quê được 117 triệu đồng, anh mua 24,5 ha đất đồi và 1,5 ha đất ruộng lầy thụt. Những năm đầu, đất đồi rừng anh trồng keo, bạch đàn và trồng lúa; do ruộng lầy thụt, nên năng suất lúa không cao. Năm 2005, anh tham gia các lớp tập huấn, đọc báo, nghe đài để áp dụng KHKT mới vào sản xuất. Năm 2006, anh vay vốn cải tạo toàn bộ diện tích ruộng lầy thụt thành ao thả cá và nuôi ba ba. Thật bất ngờ, năm 2007, anh thu từ thủy sản hơn 400 triệu đồng. Ngoài thu từ thủy sản, anh còn thu từ rừng keo và bạch đàn 884 triệu đồng.
Thấy anh Cương làm thành công, các hộ nông dân trong vùng cũng tìm đến để tham quan học tập. Họ nhờ anh chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ mô hình này mà anh Cương đã gây dựng được cơ ngơi khá ổn định. Doanh thu năm 2010 của gia đình anh 3.268 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận tới 341 triệu đồng. Bên cạnh đó, hàng năm gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động là dân tộc thiểu số có thu nhập 4,5 – 5 triệu đồng/tháng. Với nghị lực và kết quả đạt được trong sản xuất và kinh doanh, từ năm 2007 đến nay, gia đình anh được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư.
NGỌC LAN