![](/Portals/0/NEWS_IMAGES/TKTS/042014/635334501668449282_180414-Ngo Van CHung.jpg)Đại tá Ngô Văn Chung, Giám đốc Thư viện Quân đội đánh giá rất cao tinh thần và niềm say mê đọc sách của đối tượng độc giả là những cán bộ quân đội đã nghỉ hưu. "Hằng ngày, thường xuyên được tiếp xúc với nhiều bác CCB tới thư viện, tôi thấy các bác vẫn giữ tác phong quy củ, nề nếp như thời còn quân ngũ. Tôi thật sự xúc động khi bắt gặp hình ảnh những CCB mái tóc như sương, tay chống gậy, đi lại khó khăn nhưng vẫn thường xuyên đến với chúng tôi. Với các bác, sách quả là món ăn tinh thần không thể thiếu. Không những thế, nhiều bác còn tham gia đóng góp ý kiến hay, bổ ích để cán bộ, nhân viên chúng tôi rút kinh nghiệm và làm tốt hơn nữa công tác phục vụ bạn đọc của mình" - đồng chí Ngô Văn Chung vui vẻ chia sẻ.
![](/Portals/0/NEWS_IMAGES/TKTS/042014/635334501668449286_180414-Pham The Cuong.jpg)**CCB Phạm Thế Cường, Đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh **đã "biến" tủ sách của mình với hơn 22.000 cuốn sách thành thư viện phục vụ cộng đồng miễn phí. Toàn bộ phòng khách tầng trệt, diện tích 42m2, anh cải tạo thành phòng đọc với các kệ sách chủ yếu dành cho thiếu nhi. Để bạn đọc, nhất là các em học cách ứng xử với sách vở, cách tìm nguồn kiến thức mình cần, anh để sẵn một cuốn sổ đen to, dày để tự các em tới, tìm đọc cuốn gì, mượn về cuốn gì thì tự giác ghi vào đó. Còn trên tầng 4, lợp mái tôn, là nơi anh để các cuốn sách hiếm, những cuốn anh thích đọc và hay đọc... Trong đó có những quyển sách được in từ khá lâu như cuốn "Tắt lửa lòng" của Nguyễn Công Hoan in năm 1936; "Thanh đạm" in bằng giấy lụa năm 1942 có cả bút tích của tác giả Nguyễn Công Hoan, hay mấy cuốn kiếm hiệp như "Mộ hùng chương" in năm 1937 ở Hà Nội...
![](/Portals/0/NEWS_IMAGES/TKTS/042014/635334501668449276_180414-CCB Phan Thuc Oanh.jpg)**CCB Phan Thục Oanh, Phố Lý Nam Đế, Hà Nội **lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian để đọc sách. Chị luôn cho rằng mình thật may mắn vì được thừa hưởng niềm đam mê đọc sách từ cha mẹ. Thời gian gần đây, chị đang phải vật lộn để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, sự đau đớn trong cơ thể không làm chị mất đi tình yêu với sách. "Đọc sách, báo giúp tôi sống lạc quan và thanh thản" - nói đến đây, đôi mắt hiền từ của chị ánh lên đầy nghị lực. Giờ đây, chị coi việc đọc không phải chỉ cho mình, mà chị còn mong muốn chọn lọc được những quyển sách thật hay, tập hợp lại cho các con và các cháu cùng đọc. Chị tin "đọc sách" sẽ mãi là nếp nhà, là truyền thống của gia đình mình.
**HỒ THANH HƯƠNG thực hiện **