Khi có Chương trình 135 và các đề án của Nhà nước đầu tư cho miền núi và dân tộc, bản Huôi Cam cũng được thụ hưởng, nhưng như muối bỏ biển vì xuất phát điểm quá thấp, người dân chưa tự vươn lên.
Chi hội CCB Huôi Cam tuy chỉ 11 hội viên nhưng đều là đảng viên, cơ bản là cán bộ cốt cán của bản, có đồng chí là cấp ủy, chính quyền, trưởng các đoàn thể của xã, nên đã nghĩ đến việc vận động bà con biết tranh thủ các chương trình dự án của Nhà nước, cộng với sự nỗ lực của gia đình, phấn đấu tự xóa đói, giảm nghèo. Tiếp đến là đăng ký gia đình văn hóa và xây dựng làng văn hóa.
Trước hết, Chi hội tham mưu và cùng với Cấp ủy, Ban quản lý bản, ra Nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, các tổ chức đoàn thể chung tay vào cuộc. Bước đột phá đầu tiên trong thực hiện các tiêu chí văn hóa là cải tạo các tập tục lạc hậu; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Khó khăn nhất là việc giải quyết gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà, làm chuồng trại ở ngoài làng. Nhờ uy tín của CCB vừa là cán bộ của bản, của xã như: Mong Thái Xuyên, Lữ Tất Thành, Cụt Văn Châu, Mong Văn Phòng, Cụt Văn Thiệu… tuyên truyền vận động. Lúc đầu nhiều cụ ông, cụ bà tưởng làng văn hóa là cái gì cao xa không thể với tới được, dần dần bà con hiểu ra làng văn hóa là những gì cụ thể, phục vụ lợi ích chính đáng của đồng bào. Từ đó cả bản hăng hái tích cực làm theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cán bộ các cấp. Tiêu biểu là đợt thực hiện Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, nhiều gia đình xung phong chặt cây, hiến vườn, CCB gương mẫu đi đầu phá dỡ hàng rào, hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường như ông Lữ Tất Thành. Đồng bào Khơ Mú do điều kiện sống trước đây khép kín, nên tiếp thu các chủ trương chính sách có chậm hơn, nhưng đã nhận thức ra vấn đề thì việc triển khai thực hiện lại rất nhanh.
Cuối năm 1990, qua 2 lần xét chọn Làng Văn hóa bản Huôi Cam, tất cả các tiêu chí đều đạt; riêng hộ nghèo còn cao. Trưởng bản và Hội CCB đứng ra “bảo lãnh”, “khất nợ” với Ban chỉ đạo. Năm 2000, Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa, chọn ưu tiên, đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định cấp bằng Làng Văn hóa cho bản Huôi Cam, đó là 1 trong 2 làng văn hóa của xã Năm Nhoóng và là làng văn hóa đầu tiên của đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Quế Phong.
Sau hơn 10 năm đạt danh hiệu Làng Văn hóa, đồng thời cũng thời gian đó Chính phủ xây dựng tuyến đường vành đai biên giới đến Quế Phong sang huyện Kỳ Sơn, bản Huôi Cam được thụ hưởng trục đường nhánh công vụ đi qua. Từ chỗ đồng bào chỉ biết chân trần đi bộ theo đường mòn, đồi núi cheo leo, nay có đường nhựa, nhiều người trong bản, nhất là người lớn tuổi tưởng mình đang nằm mơ. Bản Huôi Cam lại càng có động lực vươn lên làm được nhiều việc đổi thay cho xóm bản, thể hiện sự đồng lòng quyết tâm giữ vững danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh.
Quyết tâm phấn đấu đó được biểu hiện cụ thể khi được Nhà nước cấp xi măng, cả làng huy động ra mặt đường, trong đó có CCB làm nòng cốt, tự xúc cát sỏi làm đường, trục dọc của làng với gần 1km. Bản Huôi Cam ngày nay đã khác xưa, bản có đường nhựa đi qua; đường ngang, lối lại do công sức của bà con cùng với xi măng của Nhà nước, nếu du khách đi qua sẽ thấy Làng Văn hóa Huôi Cam thật sự thoáng đãng, sạch đẹp. Nhờ Nghị quyết 30a của Chính phủ, Bản Văn hóa Huôi Cam đã có Nhà văn hóa cộng đồng, công trình nước sạch đến từng nhà, có điện lưới quốc gia nên nhà nào cũng có ti vi để theo dõi tình hình thời sự, chính sách; mỗi tuần 2 buổi, bà con tự nguyện quét dọn đường làng, ngõ xóm; bản luôn duy trì đội văn nghệ từ 8-12 người, đi diễn phục vụ các sự kiện chính trị trong xã hoặc tham gia văn nghệ quần chúng cấp huyện.
Vấn đề thoát nghèo và từng bước làm giàu được Chi hội CCB tích cực tham mưu và cùng với cấp ủy, chính quyền làm thí điểm một số mô hình như: trồng bo bo rừng, rễ hương, khoanh nuôi rừng, chanh leo… nhưng trước mắt nhờ có giao thông thuận lợi, từng gia đình trong đó có CCB đang làm các gia trại trồng cây, nuôi con làm hàng hóa; trong 11 hộ CCB của chi hội, nhà nào cũng có gia trại, có nhà nay đã thành trang trại. 5 năm trở lại đây, bản Huôi Cam nói riêng, xã Nặm Nhoóng nói chung, cơ bản không còn nhà tạm, dột nát, không còn đói khi giáp hạt.
Chi hội CCB Huôi Cam thật sự là một tổ chức đi đầu, phối hợp với đoàn thể khác tham mưu và cùng với Cấp ủy, Ban quản lý bản góp công, góp sức và trí tuệ xây dựng Làng Văn hóa Huôi Cam.
Quàng Văn Chanh