CCB, Trưởng thôn Giàng Mí Páo vui văn nghệ sau những giờ lao động.

Kể từ ngày từ Đồng Văn chuyển về định cư ở thôn Suối Đồng, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang tới nay đã hơn 40 năm, bà con ở thôn Suối Đồng đã ổn định về mọi mặt, không còn hộ đói nghèo, số hộ có mức sống khá và giàu tăng nhanh. Toàn thôn lúc đầu chỉ có một đảng viên, nay phát triển thành một chi bộ, do CCB Giàng Mí Páo làm Bí thư…

Nhớ lại năm 1979, khi xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, 21 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ở 4 xã Phố Là, Phố Cáo, Lũng Táo, Sủng Là của huyện Đồng Văn được bố trí sơ tán về thôn Suối Đồng này. Khi ấy, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, đất đai toàn đồi núi lau sậy, chỉ có 2ha ruộng nước cấy lúa một vụ nhưng rất bạc màu... Mấy năm đầu, bà con không yên tâm, một số người không chịu được đã trở về quê cũ. Mọi sự dần đổi thay từ khi CCB, đảng viên Giàng Mí Páo trở về thôn.

Đã có 6 năm quân ngũ và được kết nạp Đảng trong Quân đội, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, CCB Giàng Mí Páo được nhân dân tín nhiệm cử làm cán bộ thôn bản. Ông trăn trở rất nhiều trước những khó khăn, vất vả của gia đình và bà con trong thôn. Câu hỏi lớn và khó nhất là làm cách nào để phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo?

Sau khi Đảng và Nhà nước có chính sách định canh định cư cho đồng bào các dân tộc, ông Páo đã cùng với cấp ủy, chính quyền thị trấn Việt Lâm vận động nhân dân yên tâm ổn định xây dựng cuộc sống mới. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tìm hiểu, học tập cách thức, kinh nghiệm làm ăn, ông bàn và cùng 10 anh em trong gia đình quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai phá thêm đất ruộng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông vận động bà con trồng thêm hoa màu, sắn, khoai và một số loại cây ăn quả như cam, quýt, chanh. Từ đó, cuộc sống của gia đình ông Páo và một số hộ gia đình khác đã đủ ăn, không còn bị thiếu đói.

Thấy có kết quả, cả thôn Suối Đồng đã cùng Trưởng thôn Giàng Mí Páo quyết bám đất, bám làng, bảo nhau cần kiệm để có tiền mua thêm trâu cày, các loại giống mới… tạo ra phong trào xoá đói, giảm nghèo sôi nổi. Riêng gia đình ông Páo đã tích cực thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng. Ở thời điểm những năm đầu đó, gia đình ông có 0,5ha lúa nước cấy 2 vụ, trồng 3.000 cây quế, 4.000 cây mỡ, hơn 1 héc-ta trồng các loại cây rau màu, đỗ đậu, nhận trồng và khoanh nuôi, tái sinh hơn 2ha rừng, đào 500m2 ao thả cá và tạo được vườn cam, quýt với gần 400 cây, đem lại thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm. Ông cũng cùng với địa phương giúp đỡ, tạo cho bà con trong thôn cùng làm giàu, như mạnh dạn đứng ra vay cả trăm triệu đồng của Ngân hàng CSXH cho gia đình và những bà con cần vay vốn để phát triển sản xuất; xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm thôn bản, giúp những hộ cần vốn đầu tư cho sản xuất.

Do biết đầu tư đúng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ, nên năng suất lúa ở thôn Suối Đồng thời kỳ đầu chỉ đạt 18-20 tạ/ha, đã tăng lên 40-50 tạ/ha, năng suất ngô từ 18 tạ lên 40 tạ/ha...

CCB Giàng Mí Páo cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện "lấy ngắn nuôi dài", bằng cách, mọi đất đai đều được quy hoạch và tận dụng một cách triệt để trồng lúa, ngô, đậu tương, rau màu, mọi diện tích mặt nước được đưa vào sử dụng. Còn những loại cây lâu năm này sẽ là nguồn lợi lớn về sau”.

CCB, Trưởng thôn Giàng Mí Páo còn vận động nhân dân tự làm được 1,5km đường ô tô và đề nghị huyện hỗ trợ thêm làm được một cầu treo qua con suối lớn để tiện giao thương sản phẩm. Thôn Suối Đồng còn là một trong những điểm phổ cập dự án phát triển nông thôn miền núi, nên đã được trang bị thêm cơ sở xay sát thóc, ngô, một máy sát vỏ cà phê và xây dựng được một hệ thống thủy lợi, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho hai vụ lúa và hoa màu...

Kinh tế phát triển, cơ sở vật chất của thôn như hội trường, hệ thống điện, đường, trường, trạm không ngừng được hoàn thiện. Thôn Suối Đồng trở thành một trong những đơn vị tiêu biểu, điển hình về nhiều mặt của huyện Vị Xuyên cũng như toàn tỉnh Hà Giang. Còn CCB, Trưởng thôn Giàng Mí Páo đã được dự Hội nghị tổng kết công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hà Giang.

Vũ Đăng Bút