Dự hội thảo lần này, các đại biểu đều khen Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho họ không chỉ “tai nghe” mà còn được “mắt thấy” những điển hình của Bộ đội Cụ Hồ làm kinh tế-nhưng không phải làm giàu bằng mọi giá. Thậm chí làm giàu, hay trở thành giàu có, đó chỉ là “chuyện nhỏ”, chuyện sau, chứ không phải là mục tiêu chính của họ. Cho dù tất cả họ, những đại biểu về tham gia hội thảo lại đều là những người giàu. Có người rất giàu.
PV Báo CCB Việt Nam xin lược ghi và giới thiệu 3 trong số gần 100 tấm gương tập thể và cá nhân điển hình đã về dự, tham gia hội thảo.
** “Nhà toàn đồ phế thải!”**
Đó là câu nói của một vị đại biểu trong đoàn, khi đến tham quan cơ ngơi của CCB Vũ Đình Phúc ở phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hôm ấy anh Phúc có việc đột xuất, giao cho vợ tiếp đoàn.
Nói là tiếp, nhưng thực ra vợ anh Phúc cũng chẳng tiếp đón gì. Ai đói thì ăn-toàn hoa quả sạch vừa hái ở vườn về. Ai khát thì uống. Ai thích ngắm hoa thì ra vườn. Ai tìm hiểu “máy xay rác hữu cơ” thì vào nhà. Vốn hiền lành, hay lam hay làm, chị ít nói, cứ mặc kệ khách thôi.
Lẽ đương nhiên, là khách vào nhà “thực mục sở thị” cái máy xay rác hữu cơ trước. Vì đó đang là “đề tài nóng” của cả nước chứ chưa nói là của hội thảo. Chiếc máy tự chế này do chính tay CCB Vũ Đình Phúc mày mò làm mất mấy năm, hầu hết linh kiện là đồ phế thải được anh mua về lắp ráp thành máy, nhiều mối nối cứ để nguyên vết hàn xì chả sơn sửa gì. Ấy thế mà nó trở thành đề tài khoa học vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng khuyên anh đi đăng ký bản quyền, nhưng anh Phúc bảo: “Có gì mả đăng ký, ai thích đến tôi chỉ cho mà làm”.
Ngó vào trong nhà. Khiếp! Toàn những thứ sắt vụn như đồ bỏ đi, chất đống cao như đống rạ… Chúng tôi thấy Trung tướng Nguyễn Văn Đạo-Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Trưởng đoàn tham quan, lặng đi vì cảm kích. Ông trầm tư. Gương mặt ông chùng xuống, hết sờ nắn các bộ phận của chiếc máy xay rác, lại bước vào trong nhà nhặt những thỏi sắt vụn lên xem… Đúng là ông đang bị xúc động mạnh. Mà sao không xúc động được, khi nhìn thấy một việc làm hết lòng vì cộng đồng của Vũ Đình Phúc.
Vũ Đình Phúc quê miền Bắc. Đánh giặc bị thương, “dạt” về TP. Đà Lạt lấy vợ, rồi ở lại theo vợ lập nghiệp. Anh mày mò làm bằng được chiếc máy xay rác hữu cơ, vì thấy rác ở TP. Đà Lạt quá nhiều, đang gây ô nhiễm môi trường nặng, trong khi dân trồng hoa vưa phải thuê người thu gom rác, lại vừa phải mua phân hữu cơ làm từ rác.
Thành công. Mọi người đến đặt tiền năn nỉ xin mua máy, anh Phúc không bán mà hướng dẫn cho mọi người làm. Ai thiếu “linh kiện” thì đến “đống rác” của anh mà kiếm…
Sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, Hội CCB TP. Đà Lạt và các ngành chức năng vào cuộc, 12 phường, 4 xã của thành phố đều học hỏi kinh nghiệm làm phân hữu cơ theo Vũ Đình Phúc. TP. Đà Lạt bây giờ rác trở thành của hiếm, “bói” không ra.
Từ khi anh Phúc thành công với công nghệ xay rác hữu cơ làm phân bón, vườn hoa, vườn quả của nhà anh thu hoạch lãi gấp năm, gấp bảy trước đây. Anh trở thành tỷ phú trồng hoa, trong “tốp” doanh nhân nhiều tiền của TP. Đà Lạt.**“Ông Tổng” **
Cơ sở thứ hai mà đoàn được đến tham quan cũng rất ấn tượng. Đó là “Trang trại ươm giống hiệu quả” của CCB Phạm Ngọc Tổng ở thôn Trung Nghiệp, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Anh Tổng sinh năm 1961, người nhỏ thó mà hiện có khối tài sản giàu thuộc diện nhất nhì tỉnh Lâm Đồng. Chỉ tính sơ sơ 8ha nhà kính ươm cây giống của anh đã là 10 tỷ đồng. Mỗi tháng bán cây giống trừ hết chi phí, anh thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng. Dân quanh vùng, già hay trẻ, gái hay trai đều quen gọi anh là “ông Tổng”.
Chuyện trở thành tỷ phú của anh đúng là “chuyện nhỏ” thât. Năm 1985 với quân hàm Trung úy, Trung đội trưởng, Phạm Ngọc Tổng xuất ngũ về địa phương xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng ở quê đất cằn cỗi, chủ yếu trồng lúa và trồng sắn. Thế là anh quyết đưa vợ đi đến xã Hiệp An để xây dựng kinh tế mới theo tiếng gọi của Đảng.
Thấy khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, rộng rãi, anh sướng lắm, bắt tay ngay vào mở đất trồng rau, trồng hoa. Rồi chuyển sang làm con giống. Nhưng thất bát vì sâu bệnh và đặc biệt là lãng phí hạt và mầm giống.
Nhìn sang các hộ ươm cây giống cũng “bỏ mười được một” như anh. Lúc đó anh là trưởng thôn, bèn bàn với Hội CCB xã và anh em đồng ngũ quyết tâm phải áp dụng khoa học kỹ thuật để ươm con giống. Mọi người ủng hộ. Thậm chí mấy cụ CCB “lương hưu cấp tướng” còn cho anh vay cả tiền làm vốn. Anh bắt tay vào làm “khép kín” các quy trình, như chế biến hoàn toàn đất trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ruộng có mái che bằng kính, tưới nước tự động. Thế là mưa anh cũng không lo, gió anh cũng không sợ.
Đặc biệt là chiếc máy gieo hạt tự động, nhìn đơn giản như đồ chơi con trẻ, nhưng lại rất kinh tế: Cây giống trồng trên khay làm bằng xốp hình chữ nhật. Khay anh làm mẫu đặt đồng loạt ở tận TP. Hồ Chí Minh. Mỗi khay 120 lỗ, mỗi lỗ to bằng khuy áo khoác; bước 1 máy gạt đất đầy vào các lỗ; bước 2 máy bỏ vào mỗi lỗ 1 hạt giống. Sau đó khay cây giống được đưa vào nhà kính đã “vô trùng tuyệt đối” để ươm, có chế độ tưới tự động hằng ngày. Cây giống mọc, phát triển đủ 1/2 thời gian sinh trưởng anh mới xuất bán, nghĩa là người trồng chỉ còn mất 1/2 thời gian chăm bón nữa là thu hoạch.
Anh Tổng khẳng định với chúng tôi cách ươm giống này tiết kiêm gấp khoảng 30 lần so với lối ươm giống tự nhiên. Tiết kiệm triệt để không chỉ cây giống, mà còn cả đất, cả diện tích, cả phân và nước tưới, công vận chuyển…
Hiện nay không chỉ Lâm Đồng mà hầu hết các tỉnh phía Nam đều đến mua cây giống của anh. Thời điểm chúng tôi đến tham quan (4-2016), anh bán có 0,8 đồng một cây xà lách. Cao nhất là cây cà chua ghép, giá 700 đồng/cây.
Lãi mẹ đẻ lãi con, anh thu rất nhiều tiền từ 8ha cây giống này. Trở thành người giàu có, anh san sẻ sự giàu có của mình giúp mọi người. Ví dụ như nhân dân trong làng, ngoài xã được anh bán chịu cây giống, bao giờ thu hoạch mới phải trả tiền. Còn người quê từ miền Bắc vào làm, anh cho ở nhà miễn phí. Anh còn đóng góp các Quỹ “Ủng hộ Trường Sa”, “Khuyến học”; “Khắc phục bão lũ” mỗi năm 20 triệu đồng và tự nguyện hiến đất mở đường, đóng góp quỹ xây dựng nông thôn mới 200 triệu đồng…
Khách đến tham quan chụp ảnh lia lịa, thậm chí chen chúc nhau ghi âm lời “ông Tổng” giới thiệu quy trình ươm cây giống. Nhiều người bộc bạch với chúng tôi: “Lần này về sẽ theo nghề ông Tổng”.
Ông Trương Ngọc Thắng-cán bộ thuộc Trung tâm đào tạo Truyền thông Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, gợi hỏi:
- Điển hình này có lợi gì cho môi trường?
Không cần phải “ông Tổng” giải thích, hàng chục ý kiến khẳng định: Bảo vệ môi trường là số một. Vì từ phân đến đất, nước, cây giống… khâu nào cũng sạch, lại không sử dụng, không thải hóa chất ra môi trường, không lãng phí tài nguyên.
Bà chủ nước mắm “Như Hoa Tam Quan”
Đó là CCB Trần Thị Như Hoa, quê ở xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Sơn, tỉnh Bình Định. Chị thật thà như đếm.
Nghe chị kể chuyện về cuộc đời “chìm, nổi” của mình thì ai nghe cũng phải thán phục người con gái “đất võ” này.
Có lẽ hiếm có người phụ nữ nào cơ cực hơn chị. Đi bộ đôi từ năm 15 tuổi, xuất ngũ về bị sốt rét, ốm đau, đói rách, đi ở đợ... Nhưng cơ cực nhất là vì nghèo đói mà người chồng đang tâm bỏ đi. Để chị tay trắng một nách 4 con thơ. Đứa bé nhất mới 3 tuổi!
Thương cảnh nghèo, anh, chị em trong Hội CCB xã đến trông con cho chị, giúp chị đến làm thuê cho một cơ sở chế biến nước mắm.
Vốn thật thà, chịu thương chịu khó, lại sáng dạ, chị được nhà chủ tin cậy chỉ cho cách chế biến nước mắm, thậm chí khuyến khích, động viên chị về mở cơ sở chế biến riêng. Vừa học vừa làm, thất bại rồi thành công, lại được UBND xã cho thuê 1.000m2 đất để mở mặt bằng sản xuất nước mắm. Gần 10 năm sau, từ một người làm thuê chị trở thành bà chủ nước mắm nhãn hiệu “Như Hoa Tam Quan”. Bất ngờ hơn là nước mắm của chị ngon, sạch đến mức được tặng 2 Huy chương vàng tại Hội chợ “Bình Định-Tiềm năng và hội nhập” tháng 1-2003 và Hội chợ “Sản phẩm mới, công nghệ mới Việt Nam” tại Hà Nội tháng 5-2003. Tiếp đó, tháng 9-2003, lại được tặng Cúp vàng “Chất lượng và an toàn lương thực, thực phẩm” ở Hội chợ triển lãm “Quốc tế tuần lễ xanh” tại Huế. Nước mắm “Như Hoa Tam Quan” nay đã có đại lý ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.
Bây giờ chị nổi tiếng và giàu có lắm, vốn hàng trăm tỷ đồng, đủ sắm được cả 2 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương…
Cũng như nhiều CCB khác vừa có tiền, vừa có tâm chị luôn đi đầu trong công tác xã hội, bình quân mỗi năm chị đóng góp từ 50 đến 70 triệu đồng vào các công việc từ thiện, nhân đạo của địa phương; thường xuyên dành hàng trăm triệu đồng giúp nhân dân và các CCB nghèo vay không lấy lãi và trực tiếp giúp 10 hộ trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hỏi kinh nghiệm làm giàu, chị Hoa nói không hề phải suy nghĩ:
- Tôi chỉ có kinh nghiệm là làm thật và nói thât.
Kinh nghiệm của chị Hoa cũng là kinh nghiệm của hầu hết các điển hình CCB làm kinh tế giỏi khác đã trao đổi trong Hội thảo.
Đó chính là phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ được họ phát huy trên trận tuyến mới hôm nay-trận tuyến làm kinh tế, giúp nhau giảm nghèo.
Bài và ảnh: Huy Nguyễn-Nguyễn Văn Lợi