Hội CCB huyện Bến Cầu tham quan mô hình nuôi dế của CCB Lâm Anh Tuấn (bên trái).

Những năm qua, phát huy truyền thồng Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cán bộ, hội viên CCB tỉnh Tây Ninh nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, kinh doanh; tích cực đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Nhờ ý chí và chuyển biến trong nhận thức về nuôi trồng, nhiều hội viên CCB đã vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, những mô hình của CCB ra đời mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thị trường của địa phương. Như mô hình trồng măng tre bát độ của CCB Nguyễn Văn Nỉa, ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Đã nhiều năm liền, gia đình CCB Nguyễn Văn Nỉa thuộc diện khó khăn của địa phương. Qua sách, báo, ông quyết định ra miền Trung mua tre bát độ về trồng lấy măng. Trên diện tích  1.500m2 đất, ông trồng 40 gốc măng. Nhờ cần cù, chịu khó, cây phát triển tốt. Khi được thu hoạch, sau khi đã trừ chi phí, công lao động, lợi nhuận từ bán măng và cây giống mỗi năm thu gần 100 triệu đồng.

Còn CCB, thương binh hạng 4/4 Bùi Hà Thanh, ở ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành, khi ra quân với 2 bàn tay trắng, không đất sản xuất, không có tay nghề, không vốn liếng, vợ chồng ông hằng ngày đi làm mướn. Bằng sức lao động, biết chi tiêu tiết kiệm, sau 3 năm ông mua được 2 công đất cất nhà, trồng mỳ (sắn), nuôi bò, gà, vịt. Rồi khi bán bò có tiền, ông lại mua thêm đất. Được Hội cho dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, ông mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cây mỳ sang trồng nhãn. Hiện nay, ông có 6 công đất trồng nhãn, 3 con bò sinh sản và đàn gà, vịt. Trừ mọi chi phí sản xuất, ông thu nhập được gần 100 triệu đồng/năm.

Cũng như CCB Bùi Hà Thanh, sau khi xuất ngũ, hoàn cảnh gia đình của CCB Lâm Anh Tuấn, ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cũng không ít khó khăn. Đã nhiều năm, ông Tuấn cùng một người bạn đi khắp nơi bán dế. Khi được Hội CCB giúp đỡ để được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH 40 triệu đồng, ông mạnh dạn làm chuồng nuôi dế. Những ngày đầu, phải đối mặt với bao khó khăn, nhất là về kỹ thuật, thức ăn cho dế... nhưng ông không nản. Ông Tuấn chịu khó tìm hiểu qua sách, báo để quyết tâm nuôi bằng được. Bằng sự cần cù, chịu khó đến nay CCB Lâm Anh Tuấn đã có được 35 ô nuôi dế trên diện tích 300m2. Với giá bán bình quân từ 35.000-45.000 đồng/kg, trừ chi phí tiền thức ăn, điện, nước, ông Tuấn thu lời khoảng 5 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy khiêm tốn, nhưng bước đầu như thế đã là niềm vui lớn với ông. Bởi  trước đây, dù rất vất vả, bấp bênh, ông cũng chẳng kiếm được. CCB Lâm Anh Tuấn vui vẻ nói với tôi: “Nhờ nuôi dế mà tôi đỡ được nhiều khổ cực như trước. Tôi như được “đổi đời” vậy...”.

Còn nhiều cán bộ, hội viên khác cũng vượt khó làm giàu, như CCB Võ Hữu Thanh Nhàn - phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành; Đặng Văn Hùng - xã Mỏ Công, huyện Tân Biên; CCB Lê Khoăn - phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng…

Để có được những thành quả trên, hằng năm, Hội CCB chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm… Hội còn phối hợp với Ngân hàng CSXH thông qua 342 tổ tiết kiệm vay vốn, tạo điều kiện cho hơn 2.300 hộ CCB vay vốn với số dư trên 325 tỷ đồng. Từ đồng vốn vay được, hội viên trong tỉnh góp vào đầu tư xây dựng 34 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 9 HTX, 21 tổ hợp tác, 23 trang trại, 74 gia trại, 431 hộ CCB kinh doanh dịch vụ...

Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ CCB nghèo, chỉ còn 41 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,34%. Hơn 9.300 hộ khá và giàu, tỷ lệ 77%. Có 78/94 xã, phường hết hộ CCB nghèo, tỷ lệ 83%, 4/9 huyện, thị xã, thành phố hết hộ CCB nghèo, tỷ lệ 44%. Kết quả trên đã minh chứng cho cách làm đúng hướng của các cấp Hội CCB tỉnh Tây Ninh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đẹp - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng đã khơi dậy tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái trong toàn Hội. Nhiều cán bộ, hội viên đã mạnh dạn đổi mới phương thức nuôi trồng, cần cù chịu khó để vươn lên trong cuộc sống. Ý chí “xưa thắng giặc, nay thắng nghèo” của những CCB trong tỉnh đã được thực hiện, mang lại kết quả rất đáng khích lệ”.  

Thanh Hà