Thiếu tướng Trần Tiến Cung (thứ hai phải sang), trao học bổng cho học sinh giỏi xã Điện Trung (Điện Bàn, Quảng Nam).

Thiếu tướng Trần Tiến Cung sinh năm 1929, quê ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; thường trú phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, T.P Đà Nẵng. Ông không chỉ là nhà tình báo nổi tiếng trong Quân đội (Cụm trưởng Cụm Tình báo H32) mà còn là “ông Bụt” giữa đời thường.

Từ khi ông về hưu có thời gian đảm nhiệm chức Ủy viên Thường vụ BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam - Chủ tịch Hội CCB T.P Đà Nẵng thì dường như tất cả trí lực, tiền của còn lại ông dành cho những việc làm nhân nghĩa vì đồng bào, vì tương lai của thế hệ trẻ. Ông đau với nỗi đau của những đứa trẻ mất bố mẹ không được đến trường vì nhà nghèo; ông xót xa với nỗi xót xa của người thấy những mảnh đời cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Có lẽ vì thế mà ông sống cả một đời giản dị. Vợ ông mất do tuổi già, ông vẫn ở với người con trai  trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ.

Nhà tôi cách nhà ông chưa đầy 1km, mỗi lần đến thăm, tôi băn khoăn nhìn những vật dụng trong nhà quá cũ. Ông cười bảo: “Mình thấy thế là đủ lắm rồi. Các thứ đều dùng tốt cả, thay mới làm gì cho lãng phí”. Tùng tiệm với cuộc sống của mình, nhưng ông lại “hào phóng” giúp đỡ mọi người. Năm nào ông cũng trích lương hưu ủng hộ các hoạt động nhân đạo, tình nghĩa, khuyến học khuyến tài.

Ông vận động được gần 200 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Khuyến học” xã Điện Trung; hàng trăm suất học bổng tặng học sinh, sinh viên khu Gò Nổi, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - vùng đất mà ông đặt cơ quan chỉ huy Cụm tình báo H32 thời chống Mỹ… Ông được tôn vinh làm Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học xã Điện Trung suốt hàng chục năm qua. Lãnh đạo xã Điện Trung tặng ông bức tranh gỗ khắc chữ “Tâm” nhằm ngợi ca một con người giàu tâm huyết, đức độ, tài năng, trọn tình trọn nghĩa với nhân dân.

Về xã Nghĩa Hòa, nơi “chôn rau, cắt rốn”, thấy quê hương còn nghèo, ông Cung xung phong tự nguyện bỏ tiền xây 1 Nhà tình nghĩa tặng đối tượng chính sách; 1 Nhà tình thương tặng gia đình ngư dân gặp nạn trên biển; vận động ủng hộ 3,5 tỷ đồng xây dựng 1 bệnh xá và 1 nhà mẫu giáo…

Nhiều sinh viên nghèo ở nông thôn và các vùng căn cứ cách mạng, hiếu học như Trần Tiến Vũ, Lê Văn Trưởng (xã Nghĩa Hòa) được ông chu cấp ăn ở trong nhà coi như con đẻ suốt những năm học đại học. Bây giờ, Trần Tiến Vũ đã làm việc tại Trường trung cấp Kỹ thuật Quân khu 5, còn Lê Văn Trưởng được một doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng tuyển dụng.      

Tại phường Hòa Thuận Tây - nơi ông sinh sống, ông đầu tư xây dựng “Tủ sách CCB” tặng Hội CCB phường, phục vụ nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân  thật ý nghĩa. Hơn 10 năm trước, thấy cháu Hán Thị Mai Thi, nhà nghèo, lại mồ côi bố, ông nhận bảo trợ dài hạn chi phí học tập cho cháu kể từ khi cháu học lớp 5 đến tốt nghiệp đại học, nay đã có việc làm ổn định. Cháu Thi xúc động nói với tôi “Ông Cung là ông Bụt và là ân nhân của đời cháu. Ông đã cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ cho cháu có được cuộc sống như hôm nay”.

Những năm cuối đời, dẫu đau ốm, không đi lại được, nhưng tấm lòng vị tướng già với quê hương, đồng đội, với nhân dân vùng căn cứ cách mạng vẫn sắt son, sâu nặng và bao người vẫn thường đến thăm ông với tất cả niềm biết ơn và sự quý trọng.

Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi T.P Đà Nẵng - Lê Văn Kiện và Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Thuận Tây - Nguyễn Mạnh Hùng, đều trân trọng nói: Thiếu tướng Trần Tiến Cung là tấm gương sáng về nghĩa tình đồng đội, về tấm lòng đối với quê hương, với đồng bào vùng căn cứ cách mạng. Không chỉ những người cao tuổi, những CCB, mà các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và nhân dân cũng lấy tấm gương của ông để vừa soi vào, vừa tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ trẻ noi theo…”.

Lê Văn Thơm

Thiếu tướng Trần Tiến Cung đã từ trần ngày 28-2-2021, tại nhà riêng (31 Trần Tấn Mới, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, T.P Đà Nẵng). Bài viết này như nén tâm nhang kính viếng ông - một con người ngời sáng đức, tài, tình nghĩa và có nhiều công lao, cống hiến đối với Tổ quốc, Nhân dân.