Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi lễ ra quân Năm ATGT 2023.

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi và tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, năm 2022 diễn ra nhiều sự kiện văn hóa - xã hội lớn quy mô quốc tế, như Seagames 31, các kỳ nghỉ lễ dài ngày góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, du lịch và sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu giao thông, cũng như số lượng phương tiện tham gia giao thông, tạo áp lực lớn lên công tác bảo đảm TTATGT...

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Thủ tướng Chính phủ ban hành 7 Công điện, 2 Chỉ thị và 1 văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT và khắc phục hậu quả các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Ủy ban ATGT Quốc gia cũng ban hành nhiều kế hoạch và giải pháp bảo đảm TTATGT, chấn chỉnh, khắc phục và phòng tránh các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.  

Đẩy mạnh các hoạt động CCB cùng chung tay tham gia giữ gìn ATGT, ngày 6-1-2022, T.Ư Hội CCB Việt Nam ban hành Kế hoạch số 02A/KH-CCB về tham gia giữ gìn TTATGT năm 2022 và Kế hoạch số 05/KH-CCB-TG ngày 11-2-2022 về tổ chức hội nghị nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong tham gia giữ gìn TTATGT năm 2022 gắn với thực hiện Cuộc vận động “CCB Việt Nam tham gia giữ gìn trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông” và các nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua “CCB gương mẫu”; tiếp tục xây dựng, phát huy, nhân rộng mô hình "Hội CCB tự quản về an ninh, trật tự gắn với ATGT".

Toàn Hội có hàng trăm mô hình CCB với ATGT đã và đang phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình góp phần thực hiện thành công các mục tiêu ATGT, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó có những mô hình hay, hiệu quả như mô hình “Dọc đường, tuyến đường tự quản” của Hội CCB các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tây Ninh, Bến Tre; mô hình “Tổ CCB giữ gìn trật tự ATGT tại cổng trường học” của Hà Nội, Gia Lai, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình; mô hình “Bến đò an toàn” của An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình; mô hình “Camera an toàn” của các tỉnh Gia Lai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Cà Mau, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh …  

Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Ủy ban ATGT, các Bộ, ngành, cơ quan thành viên, năm 2022, tình hình đảm bảo TTATGT so với năm 2019 (trước thời điểm xẩy ra đại dịch Covid-19) thì tai nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Giảm 6.216 vụ (-35,2%), giảm 1.246 người chết (-16,3%), giảm 5.841 người bị thương (-42,81%).

Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội được dự báo sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, hoạt động giao thông, vận tải tiếp tục sôi động, đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong công tác bảo đảm TTATGT. Do đó, Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, với 3 mục tiêu chính là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2022; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Tại buổi lễ ra quân Năm ATGT 2023, thay mặt Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia đề nghị cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về đảm bảo TTATGT nêu gương thực hiện “Thượng tôn pháp luật”, tạo động lực để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng, từng bước xây dựng văn hoá giao thông an toàn cho cả xã hội. Cùng với đó, kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe, tốc độ, tránh, vượt sai quy định; vi phạm chở hàng quá tải trọng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các cơ quan có thành viên là lãnh đạo hoặc ủy viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chú trọng trách nhiệm nêu gương “Thượng tôn pháp luật” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đặc biệt là cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước về TTATGT. Chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn quốc, từ cấp T.Ư đến các cấp địa phương ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2023.

                                                                                        Hoàng Linh