Thu Quế - một làng văn hóa thuộc thị trấn Đan Phượng (Hà Nội). Đón khách vào làng là “Tam quan” xây theo lối cổ, đỉnh có chữ “phúc” (福), đặt trên ba chữ “Thu Quế làng” (桂秋廊). Câu đối đắp nổi hai cột như “khoe” với khách thập phương truyền thống hiếu học: Nhật diệu bính đinh vạn cổ thái hòa chiêu cảnh sắc/ Vân khai khuê bích trú ức niên văn vật lộ tinh hoa. Tạm dịch: Nghìn vạn năm rồi trời nam thái hòa mang đến cảnh sắc/ Vận hội tinh hoa văn vật được biểu lộ chốn này. Thật không hổ thẹn, khi đây là quê hương của “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân” năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái (1892), cụ Tạ Văn Cán. Ở làng Thu Quế, sau cụ quan Nghè, còn nhiều nhà khoa bảng ở những cấp độ khác nhau, chí ít cũng “tam trường”. Hầu hết các cụ không ra làm quan, làm lại, mà về quê dạy học, bốc thuốc, sống “Cư trần lạc đạo”, giữ gìn phẩm cách thanh nhã, cao quý của tầng lớp trí thức nho giáo.

Thế nhưng ngày nay, cả vùng Đan Phượng, Hoài Đức, người biết Hán Nôm quá hiếm. Nguồn tư liệu quý giá từ quá khứ ở các tồn thư vẫn in lặng trước nhu cầu của tương lai. Nhưng có một người lính, một thương binh trở về từ cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể giải mã được nhiều tư liệu Hán Nôm kia. CCB Tạ Văn Quế, một người con của làng, một hậu duệ của cụ quan Nghè đã tiến hành công việc “kết nối quá khứ với hiện tại” này vô tư, không vụ lợi. Ông nghĩ, mình đã may mắn hơn nhiều đồng đội ngã xuống nơi chiến trường, đây là sứ mệnh “người được chọn” mà thôi. Khả năng đọc, dịch các văn bản Hán Nôm của CCB Tạ Văn Quế đã làm sống lại nhiều cuốn thần phả ở đình, chùa, quán, miếu; cung cấp nhiều tư liệu quý cho việc tôn tạo nơi thờ tự và viết lịch sử làng xã, huyện. Ông còn giúp biên dịch một số gia phả dòng họ trong vùng hoặc đến từ Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An. Dẫu tốn rất nhiều thời gian, công sức, nhưng ông chỉ nhận lại lời cảm ơn cùng lạng chè, gói bánh để tri ân gia tiên.

Nhiều người làng và bạn bè ngạc nhiên về sự này. Họ không thể hiểu được cái anh chàng Quế làng nhàng thuở nào, đi bộ đội, thương binh, chuyển ngành, lăn lội mưu sinh, lại có thể giỏi Hán Nôm. Đồng môn ở “Câu lạc bộ Hán Nôm Quang Trung”, “Thư viên”, “Lạc Đạo” Hà Nội, rất phục “ông đồ nhà quê” bởi khả năng đọc dịch Hán tự đến nôm Tày, nôm Giao. CCB Tạ Đăng Quế còn am hiểu khá sâu “Kinh dịch”- một tác phẩm văn hóa cổ điển mà học giả Nguyễn Hiến Lê gọi là “đạo của người quân tử”. Đến với dịch, CCB Quế không đi sâu vào gieo quẻ, bói đoán, mà hướng đến giải mã luật “âm dương tiêu tức”; “tiên thiên dĩ sinh sơ chi lý (đạo trời đất); hậu thiên vi sinh tồn chi đạo (đạo người)” của dịch lý. CCB Tạ Văn Quế sẵn sàng trao đổi, truyền thụ cho người khác những điều mình biết. Ông nói: di sản là của chung, đừng ai giữ riêng cho mình. Vốn tính khiêm nhường, không khoe mẽ tự đại, ông cho rằng: “Trong 64 quẻ dịch, hay nhất “Địa Sơn Khiêm” tức quẻ “khiêm” vì đã khiêm thì dù ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà không ai vượt được mình. Nhưng nếu không nỗ lực, thì không có gì cả”.

CCB Tạ Văn Quế sinh năm 1953, tại làng Thu Quế, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng nay thuộc thị trấn Phùng. Tháng 4-1972 nhập ngũ, tháng 8-1972 đến 4-1975 chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 324 ở chiến trường Trị Thiên. Là thương binh hạng 4/4 (32%). Năm 1976, Tạ Văn Quế ra quân, từng là Trưởng phòng Kế hoạch Xí nghiệp thương binh. Năm 1990, ông nghỉ mất sức.

Kiến thức Hán Nôm mà Tạ Văn Quế có được là do cha ông truyền lại cùng sự nỗ lực hàng chục năm kiên trì tự học; ông đã không hổ thẹn là hậu duệ của quan Nghè. Hơn nữa, cô giáo CCB Nguyễn Thị Tâm vợ ông - người con gái đất Tam Thuấn xã bên là một phụ nữ hiền thục, chịu thương, chịu khó, từng trưởng thành trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy, bà hiểu được khát vọng của chồng, của một CCB từng kinh qua chiến trận. Bà đã tạo điều kiện để ông đạt được khát vọng; trong cặp đôi CCB ấy ngoài duyên vợ chồng còn có cả tình đồng đội.

Hiện nay, ở ngõ 52 xóm Chợ, CCB Tạ Văn Quế mở hai lớp học miễn phí tại nhà cho hai đối tượng “Học chữ Hán Nôm” và “Kinh dịch” vào thứ ba và thứ sáu hằng tuần. Học viên là những cán bộ nghỉ hưu, công chức, công nhân, nông dân, những người yêu thích Hán Nôm. Lớp học có trẻ, có già, có người gần, người xa. Trong thành phần có hai vị ở Hà Nội nghe tiếng cũng lên đây thụ giáo. Mỗi lớp chỉ 6 đến 7 người, kiến thức, chữ nghĩa không đồng đều nhưng tất cả đều say mê, cố gắng.

Nhìn “thầy đồ” CCB Tạ Văn Quế nhiệt tình gò lưng với bảng phấn mà cảm động. Khi được hỏi, một học viên trên 60 tuổi trả lời: Xưa không được học là thiệt thòi, nay tuổi cao, tiếp thu chậm, nhưng càng học càng thấy có ý nghĩa, sáng mắt, sáng lòng và yêu cuộc sống này hơn. Ông nói tiếp: Chúng tôi học không chỉ để soi mình, để sống nghiêm ngắn hơn, mà còn có “tý vốn” để hiểu thư sách và làm gương cho con cháu.

Hà Đông, ngày 1-11-2020

Nguyễn Bá Quang