CCB Nguyễn Văn Nhân (thứ tư trái sang) nhận Bằng khen của T.Ư Hội CCB Việt Nam.

Những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành, tôi đến Công ty TNHH Tâm Văn Nhân ở Khu công nghiệp Thạch Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai do doanh nhân, CCB Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty làm chủ. Trải qua 4 đợt dịch, nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất, ổn định đời sống công nhân bởi lãnh đạo có các biện pháp linh hoạt vừa chống dịch vừa sản xuất, đáp ứng được các đơn hàng xuất khẩu.

Công ty được thành lập từ năm 2006 chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Ban đầu được thành lập với bao bộn bề, gian khó từ xây dựng kho bãi, tìm kiếm khách hàng, tuyển dụng đến dạy nghề cho công nhân nhưng anh và các đồng sự đã cố gắng vượt khó từng bước ổn định. Để giảm chi phí giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động công ty tiến hành nhiều cách làm như giao vật tư cho công nhân thi công tại nhà để tranh thủ thời gian rỗi có thể làm được… không ngừng cải tiến kỹ thuật, thiết kế hàng trăm mẫu, kiểu dáng phù hợp thị hiếu khách hàng châu Âu khó tính; gia công khung, đúc chậu và dây nhựa tại công ty để giảm chi phí mua phụ kiện; làm khung nhôm thay khung sắt để không bị rỉ sét và giảm trọng lượng… Hoạt động sản xuất của công ty không sử dụng các loại hóa chất độc hại, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.

Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia trên thế giới, bình quân 40 đến 50 container/tháng, thị trường chính là châu Âu. Công ty được các tổ chức đánh giá quốc tế đại diện khách hàng tham quan và đánh giá công ty đạt tiêu chuẩn BSCI (thực hiện tốt trách nhiệm xã hội), FQA (đạt tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa xuất khẩu). Công ty đã có một vị trí đứng trên thương trường quốc tế.

Anh Nhân dẫn tôi đi một vòng và giới thiệu về công ty: “Công ty có 4 phân xưởng hoạt đông khép kín, ngày chưa có dịch, công ty có hơn 200 công nhân (trong đó nhiều CCB, CQN, với mức lương bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng), nhưng từ ngày có dịch đến nay, lượng hàng xuất khẩu giảm một nửa nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, tôi thảo luận với công nhân bàn biện pháp tháo gỡ, rất may là công nhân đồng lòng trước quyết định của giám đốc, đó là các phân xưởng sản xuất chưa cần thiết như xưởng cơ khí chuyên làm khung nhôm sắt khoảng 30 người được nghỉ; đội ngũ kỹ thuật, hành chính cho làm việc online, còn các phân xưởng khác thì vẫn tiếp tục làm nhưng luân phiên nhau trên tinh thần đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau. Đội ngũ quản lý bảo vệ theo dõi quản lý chặt chẽ hoạt động của nhà máy nhất là thông điệp “5K”, mỗi công nhân khi đến làm việc phải khai báo y tế đầy đủ, đo thân nhiệt và khử khuẩn, bảm đảm cách ly theo đúng quy định, thực hiện nghiêm túc việc phân ca, giãn cách công nhân trong hệ thống dây chuyền, sử dụng quạt thông gió thay cho điều hòa trung tâm”.

Nhờ thực hiện nghiêm những quy định mà qua 4 đợt dịch, công ty vẫn ổn định sản xuất và đảm bảo đời sống cho công nhân.

Chị Nguyễn Thị Tuyết - Kế toán công ty cho biết: “Mặc dù dịch sản xuất khó khăn nhưng công ty vẫn trả lương và các khoản phụ cấp khác vào ngày mồng 5 hằng tháng, công nhân yên tâm cùng với công ty phòng, chống dịch và sản xuất”.

Ông Dương Hoàng Hiệp - Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho tôi biết: “Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, Công ty TNHH Tâm Văn Nhân của CCB Nguyễn Văn Nhân còn tích cực hưởng ứng phong trào “xóa nhà tạm” cho CCB gặp khó khăn. Bản thân ông cùng gia đình tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn, rải nhựa đường ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu. Đóng góp các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội như: Tặng quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”; xây dựng Nhà khách CCB tỉnh Điện Biên; Quỹ “Khuyến học” giúp con CCB nghèo được cắp sách đến trường... tổng trị giá gần 2 tỷ đồng.

Với những thành tích đạt được, những năm qua, CCB Nguyễn Văn Nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen; nhiều bằng khen, giấy khen của T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh và địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)