Thương binh Nguyễn Văn Dũng trao quà Tết - 2021 cho các nạn nhân chất độc da cam phường Vĩnh Hòa, T.P Nha Trang. Ảnh: Công Thi

“Cái khó ló cái khôn!”

Sau hơn 5 năm làm lính của Lữ đoàn 146 Hải quân, từng bị thương nặng khi tham gia chiến dịch CQ-88, chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa, năm 1993 Nguyễn Văn Dũng (quê Vĩ Dạ, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) phục viên. Trở về với cuộc sống đời thường, tạo lập cuộc sống, với thương tật 61%, Nguyễn Văn Dũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Ông bùi ngùi nhớ lại:

- Khi ấy, ngoài hai bàn tay trắng, tôi chỉ có chút phụ cấp thương tật ít ỏi, không đủ trang trải hằng ngày. Tìm việc làm với tôi thật gian nan, vì cứ trở trời là những vết thương tái phát hành hạ. Vệc đi lại của tôi cũng hết sức khó khăn. Trong khi quê hương chỉ có những nghề lao động nặng nhọc, như làm rẫy, đi biển…

Thế rồi, “Cái khó ló cái khôn”! Đất Vĩnh Hòa - Nha Trang gắn bó một thời làm lính Vùng 4 Hải quân là địa chỉ tìm về của thương binh, CCB Nguyễn Văn Dũng. Nhớ lại ngày đầu trở lại Vĩnh Hòa, Nguyễn Văn Dũng không giấu nổi xúc động: “Đất và con người hiền lành của Vĩnh Hòa - Nha Trang đã rộng lòng đón nhận đứa con hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Với sự động viên của bà con, đồng đội, sự giúp đỡ nhiệt tình của các ban - ngành ở địa phương, tôi quyết định vượt lên số phận bằng ý chí và nghị lực được học tập, rèn luyện trong quân ngũ; vạch hướng làm ăn, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của vùng quê mới…”.

Nắm bắt lợi thế của Vĩnh Hòa - Nha Trang là dịch vụ, du lịch, năm 1993, CCB Nguyễn Văn Dũng tổ chức hộ kinh doanh ăn uống, giải khát, với tên gọi “Lữ quán Thiên Phước”. Cùng với từng bước mở rộng kinh doanh ăn uống, giải khát, anh đã cất công tìm hiểu, học hỏi làm cầu phao, làm bè giữ hàng hải sản; nghiên cứu xây dựng mô hình nhà hàng phù hợp điều kiện miền biển, “dân giã” nhưng bền chắc, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng gió bão, bảo vệ môi trường, để phục vụ du khách.

Với vốn liếng, kinh nghiệm có được qua kinh doanh dịch vụ, cùng với đà phát triển của ngành du lịch Khánh Hòa, năm 2004, Doanh nghiệp tư nhân Văn Dũng với thương hiệu “Lữ quán Thiên Phước” được thành lập; hoạt động trên các lĩnh vực: Dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, dịch vụ thể thao giải trí trên biển, câu cá, tham quan thắng cảnh trên biển bằng ca-nô. Sau 5 năm thành lập, năm 2009, Doanh nghiệp “Lữ quán Thiên Phước” đã có vốn kinh doanh 12 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 40 lao động chính thức và 70 lao động thời vụ; trong đó phần đông là con em thương binh, CCB. Bình quân hằng năm, “Lữ quán Thiên Phước” đạt doanh thu 3,12 tỷ đồng, nộp ngân sách 320 triệu đồng.

Để doanh nghiệp đứng vững trước mọi biến động của kinh tế thị trường, cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh, Nguyễn Văn Dũng chú tâm đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đáp ứng yêu cầu khách hàng; trồng rau sạch và thường xuyên tổ chức cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp tham gia các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng khu du lịch sinh thái an toàn và thân thiện…; góp phần xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tích cực hoạt động xã hội

Là thương binh 2/4, nhưng ngoài tổ chức sản xuất kinh doanh, CCB Nguyễn Văn Dũng còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, là Phó bí thư chi bộ tổ dân phố, Chi hội trưởng CCB, Chi hội trưởng Khuyến học và Chủ nhiệm Câu lạc bộ CQN. Ở vị trí nào, ông cũng hoàn thành tốt công việc được giao.

Khi doanh nghiệp tư nhân hoạt động ổn định, có hiệu quả, Nguyễn Văn Dũng không quên người nghèo và đồng đội còn khó khăn. Từ đó, ông tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của Hội CCB và địa phương về xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; tham gia các hoạt động xã hội thiện nguyện và Nghĩa tình đồng đội.

Từ năm 2016 đến 2021, thương binh Nguyễn Văn Dũng đã tặng 1.100 ấn phẩm và sổ tay cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa; tặng quà cho thanh niên nhập ngũ; ủng hộ sửa chữa nhà và phụng dưỡng mẹ liệt sĩ có con hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma; chăm sóc và tặng quà thương binh, gia đình liệt sĩ, nạn nhân chất độc điôxin; bảo đảm kinh phí, tổ chức gặp mặt truyền thống bạn chiến đấu; ủng hộ các quỹ khuyến học, khuyến tài; tặng quà người nghèo, già cả cô đơn, trẻ mồ côi, tàn tật… Tổng số tiền mà ông dành cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện 5 năm qua là 1,173 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Khánh Hòa - Nguyễn Xuân Thùy đã dành nhiều tình cảm, sự trân trọng nỗ lực vượt khó của người đồng đội cũng là lính Hải quân: “Mặc dù doanh nghiệp của anh Dũng không lớn, nhưng đã góp phần tạo nên diện mạo đẹp của ngành dịch vụ du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa; doanh thu của doanh nghiệp chưa nhiều, nhưng anh đã sẵn lòng sẻ chia cùng đồng đội, những đối tượng chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…”.

Với thành tích đạt được trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội, liên tục từ năm 2016-2020, CCB Nguyễn Văn Dũng được công nhận là Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh; được Thủ tướng Chính phủ, Thường trực T.Ư Hội CCB Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và nhiều tổ chức khác tặng Bằng khen, Giấy khen. Với CCB Nguyễn Văn Dũng, phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với ông là đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn, nhưng không phế”.

Duy Tường