1 – Vì viết báo đấu tranh chống tham nhũng bị trù dập?
Theo đơn kêu cứu của CCB Lê Thanh Sơn gửi Báo CCBVN và căn cứ vào các văn bản xử lý vụ việc. Đặc biệt căn cứ vào các tài liệu mà Báo CCBVN đã thu thập được cho thấy:
Cựu chiến binh Lê Thanh Sơn sinh năm 1949 tại Hoài Nhơn Bình Định, thoát ly năm 1964, vào Đảng CSVN năm 1966, từng là chiến sĩ Đặc công (D40 - Bình Định); hiện là thương binh, từng làm thư ký riêng cho Bí tư Tỉnh ủy; Thư ký Tòa soạn báo Quyết Thắng - Bình Định. Sau ngày Miền Nam giải phóng được cử đi học khóa đào tạo giảng viên trường đảng tại Hà Nội, về đảm nhiệm công tác giảng dạy tại Trường đảng tỉnh Nghĩa Bình, năm 1981 lên Lâm Đồng làm Thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tín, cuối năm 1985 về Phú Khánh, khi tách tỉnh Phú Khánh ông ra làm Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, kiêm Bí thư đảng bộ khối ủy ban.
Hàng ngày trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Thuật, nhận thấy trong hoàn cảnh mới tái lập tỉnh còn rất khó khăn, nhưng “Sếp” lại chỉ đạo chi tiêu lãng phí của công, ông thẳng thắn góp ý trực tiếp, đưa ra tập thể đấu tranh xây dựng. Hưởng ứng Quyết định 240 về chống tham nhũng, chống lãng phí, ông Sơn đã viết bài báo: “Chi tiêu hơn 10 triệu đồng không mang lại hiệu quả thiết thực”, đăng trên báo Phú Yên nhẹ nhàng phê bình. Thế nhưng một mặt, Chủ tịch tỉnh triệu tập các cuộc họp kiểm điểm trấn áp ông Sơn, mặt khác, chỉ đạo làm công văn gửi báo Phú Yên (số 428/UB – ngày 16/11/1990), quy chụp ông Sơn là “lạm dụng tự do báo chí xuyên tạc sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ”. Ban biên tập báo Phú Yên lúc đó đã làm một việc đúng luật, đến bây giờ những người làm báo chân chính vẫn rất trân trọng, đó là việc cho đăng toàn văn nội dung công văn 428 nói trên cùng ý kiến của Ban bạn đọc khẳng định và chứng minh bài báo của Lê Thanh Sơn là hoàn toàn đúng sự thật, có tác dụng ngăn ngừa chi tiêu lãng phí đang tràn lan trong bối cảnh ngân sách tỉnh vô cùng eo hẹp, đang tập trung ổn định tổ chức bộ máy. Ban bạn đọc của báo còn công khai nghiêm khắc cảnh báo lãnh đạo UB tỉnh Phú Yên: “Việc kiểm điểm cán bộ là công việc nội bộ của UBND tỉnh. Nhưng đe dọa công khai tác giả một bài báo là hoàn toàn xa lạ với điểm 5 điều 4 Luật báo chí”.
Để không phiền toái cho “Báo nhà”, ông viết một loạt bài báo gửi báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân và các báo TW. Bài báo “Cần làm rõ nguồn gốc những ngôi nhà xây quá to ở thị xã Tuy Hòa” (ND chủ nhật ngày 17/3/1991) và bài “Vải thưa che mắt thánh” (NDCN ngày 25/3/1991) đồng chí Lê Thanh Sơn nêu ra những sự thật nhức nhối.
Nhiều đồng nghiệp nhận xét rằng: Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên dám “vuốt râu hùm”, mà không phải chỉ riêng một “hùm”. Chỉ riêng Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tường Thuật người được Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định có tới 3 ngôi nhà to tại thị xã, từng thế chấp nhà vay một lúc 2 kg vàng và 200 triệu…(công văn 85- TT/HĐND, của HĐND tỉnh Phú Yên gửi Thủ tướng chính phủ, Ban bí thư TƯ, ngày 7/7/1994). Người ta bắt đầu lo ngại cho ông Sơn, vì càng có nhiều cuộc họp truy vấn gay gắt hơn. Nhưng CCB Lê Thanh Sơn không bị khuất phục. Chỉ đáng tiếc là thừa dịp ông bị bệnh tái sốt rét nặng phải cấp cứu điều trị ở bệnh viện tỉnh (có xác nhận GĐBVPY ngày 2/5/2000), ra viện, do quá mệt mỏi, ông xin nghỉ phép năm (phép của 2 năm liên tục) về Nha Trang kết hợp nghỉ dưỡng. Không ngờ rằng bước ngoặt cuộc đời theo cách mạng của ông bị “rẽ cụt” tại đây. Thừa lệnh Chủ tịch tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên lúc đó là ông Nguyễn Tài, đã ký “thông báo” thôi trả lương và cắt mọi chế độ phụ cấp của ông (thông báo số 24 ngày 9/5/1991). Như bao cán bộ khác, lô đất tỉnh đã cấp cho ông cũng bị thu hồi tiến đến cạy phòng ở cá nhân của gia đình ông Sơn biển thủ toàn bộ tài sản đi mất! Đau đớn nhất là còn bị ngừng sinh hoạt Đảng, bị xóa tên trong danh sách đảng viên (hiện ông không nhận được văn bản nào xử lý về Đảng).
2 – Dư luận nói gì về CCB Lê Thanh Sơn
Mặc dù ngày 13 tháng 5 năm 1998, Đoàn công tác của Trung ương gồm đại diện: Ban tổ chức chính phủ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Nhưng Đoàn mới chỉ nghe đại diện tỉnh báo cáo, chưa hề gặp ông Sơn. Tại biên bản làm việc cũng đã đưa ra 2 phương án giải quyết: “Thống nhất giải quyết theo thông báo 19/TB- TU, ngày 14/01/1997, của Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, giải quyết chế độ thôi việc cho ông Sơn, tính đến ngày 1/04/1991. Hoặc xem xét… nên cho ông Sơn nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội theo 2 loại… nhưng phương án nào phải do ông Sơn chọn…”. Trong văn bản này đã thừa nhận “vì tỉnh giải quyết theo tình cảm, cho nên về mặt pháp lý chưa đầy đủ”. Đây chính là “dấu hỏi” lớn, rõ ràng việc giải quyết vụ việc này không có cơ sở pháp lý, còn nếu nói tình cảm thì không biết đó là loại tình cảm gì trong lúc ông Sơn không có được một “ân huệ” gì từ phía lãnh đạo tỉnh Phú Yên!
Hơn 30 năm tham gia cách mạng, bỗng dưng “trắng tay” chỉ vì viết báo chống tham nhũng, chống tiêu cực? Nếu quy tội cho ông “Bỏ nhiệm sở” cũng không phải vì ông có đủ chứng cứ giấy xác nhận nằm bệnh viện, giấy nghỉ phép của chính lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cấp… Là một Đảng viên, ông hiểu rõ Điều lệ ĐCSVN “Kiên quyết chống mọi biểu hiện tham ô, lãng phí… chống cục bộ, bản vị địa phương…”. Nhận rõ bản chất của sự việc, nhiều cán bộ lãnh đạo và nhân dân Phú Yên lên tiếng mạnh mẽ bênh vực CCB Lê Thanh Sơn.
Đồng chí Cao Xuân Thiêm, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, lúc vụ việc xẩy ra đã có văn bản phản đối cách xử sự của UBND tỉnh Phú Yên với ông Sơn, khẳng định: “không thấu tình đạt lý”. Đồng chí Huỳnh Trúc, Phó bí thư Thường trực, kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh phê phán kịch liệt: “Tôi khẳng định trong chuyện này Nguyễn Tường Thuật sai! Kẻ làm bậy sao không kiên quyết trị mà lại trị Lê Thanh Sơn. Anh Sơn bị xử lý thôi việc, xóa tên trong danh sách Đảng viên là vi phạm nguyên tắc, là vô nhân đạo”. Đồng chí Quyết Tâm, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức lúc xẩy ra vụ ông Sơn cho biết: “Nhiều người ủng hộ ông Sơn trong đó cá nhân tôi. Ai cũng biết Sơn tốt, làm được nhiều việc, nhưng bên Uỷ ban làm căng quá..”. Đồng chí Nguyễn Hoàng Hạnh, Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội Nông dân: “Tôi nhớ hồi đó anh Sơn viết không dưới 10 bài báo đều có nội dung chống tham nhũng. Nếu cơ hội thì tội gì anh Sơn viết những bài báo như vậy. Anh viết những bài báo ấy chỉ làm lợi cho nhân dân Phú Yên. Những người như anh Sơn thì xóa tên trong danh sách đảng viên. Còn những kẻ cơ hội thì rải thảm đỏ mời vào Đảng. Thật buồn cho Phú Yên…”. Ngoài các ý kiến tâm huyết của các đồng chí Tỉnh ủy, UBDN tỉnh Phú Yên, suốt 9 năm liền, báo chí tốn nhiều giấy mực, viết bảo vệ lẽ phải cho ông Sơn. Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh, nguyên Phó Giám đốc, Chính ủy Học viện Đà Lạt đã viết: “Thật đau lòng qua sự việc này, mọi người thấy rõ ai là những kẻ thoái hóa biến chất gây tai họa cho dân, cho nước, lại ngang nhiên cắt lương, cắt toàn bộ chế độ chính sách của một thương binh, một CCB trung thực…như thế, làm gì tham nhũng chẳng hoành hành, tác oai, tác quái”.
Trong đơn kếu cứu khẩn thiết gửi Báo Cựu chiến binh Việt Nam, CCB Lê Thanh Sơn viết: “Lúc bị trù dập, mất việc, cắt lương, tôi mới ở độ tuổi ngoài 40, nay đã cận kề tuổi 70, hoàn cảnh vợ chồng tôi đều là thương binh, thường đau ốm, con cái học hành hết sức tốn kém mà thu nhập chính chỉ là lương hưu của vợ. Xét thấy mình chẳng còn sống bao lâu để hưởng ân huệ của Đảng, Nhà nước, tôi tha thiết mong lãnh đạo Trung ương và tỉnh Phú Yên xem xét lại việc này, trước mắt giải quyết chế độ hưu trí cho tôi, giúp gia đình tôi bớt khó khăn hơn trong những năm cuối đời. Gia đình mãi mãi ghi nhận công ơn của Đảng , Nhà nước”.
Đồng chí Nguyễn Trung Tín, nguyên UVTW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Lâm Đồng, người phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo ông Lê Thanh Sơn luôn tin dùng làm thư ký riêng của đồng chí, khi nghe hung tin về ông Sơn, đã cấp tốc gửi nhiều văn bản đến TW và lãnh đạo tỉnh Phú Yên, trong đó, có đoạn viết “…đồng chí Sơn có nhiều năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, từng là chiến sĩ đặc công, là một cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, Bình Định; Lâm Đồng; Phú Khánh và sau cùng là Văn phòng UBND Phú Yên, bao nhiêu năm cống hiến như thế, lại không được hưởng một chế độ gì, nếu chúng ta cũng bị trù dập như vậy liệu có chịu nổi không?” Và ông thiết tha đề nghị hãy giải quyết ngay chế độ hưu cho đ/c Sơn “chứ không có yêu cầu gì khác”.
Đến đây chắc bạn đọc đã rõ mọi việc:
1- Việc CCB Lê Thanh Sơn, đấu tranh chống lãng phí tại nội bộ cơ quan là đúng sự thật, bằng nhiều cách như: đưa ra góp ý nội bộ, viết báo nhẹ nhàng phê bình.
2- Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên sau đó đã xác minh và kết luận ông Chủ tịch tỉnh Nguyễn Tường Thuật có 3 nhà to, từng vay một lúc 2 kg vàng, 200 triệu đồng của Ngân hàng tỉnh để mua nhà đất tại TP Hồ Chí Minh…kết quả ông Nguyễn Tường Thuật chỉ tồn tại hơn nửa nhiệm kỳ, dù mất chức, nhưng ông cũng kịp cho ông Lê Thanh Sơn thôi việc, cắt tất cả mọi chế độ, chỉ vì “dám phê bình” ông trên báo.
3- Nhiều đồng chí là lãnh đạo thời điểm ông Sơn bị “trù dập” thấu hiểu, các đồng chí từng là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch…nhận thấy việc xử lý ông Sơn như thế là sai, đã gửi thư, điện thoại…đề nghị “sửa sai”, nhưng đều vô vọng. Đặc biệt ngay cả công văn chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, đến nay mọi việc vẫn chưa thấy động tỉnh.
4- Bản thân CCB Lê Thanh Sơn thiết tha và mong mỏi lãnh đạo Trung ương cử đoàn công tác vào Phú Yên làm việc, ông mong được gặp gỡ, để có cơ hội chứng minh mình “vô tội”.
Dư luận khẳng định rằng việc trù dập Phó Văn phòng Lê Thanh Sơn là quá rõ, việc xử lý cắt hết tất cả chế độ chính sách đối với một cán bộ từng vào sinh ra tử, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, Chính quyền, là Đảng viên từ rất sớm (kết nạp năm 1966), thậm trí còn bị xem như “tội phạm”, như thế liệu có nên không? Gần như triệt đường sống và đẩy một con người hơn hai chục năm qua lâm vào cảnh phải “ăn bám” vào tiền lương của vợ con. Hãy đặt mình vào vị trí là ông Sơn mà tự trả lời. Giải quyết vụ CCB Lê Thanh Sơn có lý, có tình, càng sớm càng tốt, nhất là vào thời điểm này rất đúng với tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI. “Có sai thì cương quyết sửa cho bằng được”, đó là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ mà sinh thời Người từng dạy. Trước mắt, bạn đọc chờ kết quả xác minh (dù thời hạn báo cáo kết quả đã hết trước ngày 15/8/2012), mà lãnh đạo tỉnh Phú Yên phải báo cáo với Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
***Tổ PV Báo CCB Việt Nam thực hiện ***