Mặc dù vậy Hoàng Văn Trà người đầu tiên xin đến khai phá ở đây. Thấy Hoàng Văn Trà mạnh mẽ, quyết tâm nhiều người trai trẻ cùng đi. Sau hơn một năm anh khai hoang được 14.000m2 đất qui hoạch thành các khu vườn, ao, chuồng. Ao anh nuôi cá rô phi, cá chép, cá trắm, chuồng nuôi lợn, nuôi vịt, vườn những năm đầu trồng lạc, trồng mía kéo lấy mật. Anh thấy trồng mía thu nhập không cao chuyển sang trồng cam bù. Không ngờ trồng cam bù đất không hợp nên quả nhiều nhưng chua không tiêu thụ được, đành phải chặt phá toàn bộ. Phá cam anh trồng vải thiều, trồng na thu hoạch thu cũng chẳng được là bao. Thiệt hại nặng nhất năm 2008 anh nuôi 1200 con ba ba sắp đến kỳ bán thì lũ lụt huyện cho xả đập thủy lợi Cồn Tranh trôi hết mất trên 1,7 tỷ đồng. Sau bão lụt anh làm đơn kêu lên huyện hỗ trợ chủ tịch huyện làm ngơ. Kêu mãi không được anh ngậm ngùi về quyết tâm làm lại.
Bị thất bại nhiều cho Hoàng Văn Trà nhiều bài học, anh không nản chí, quyết làm giàu. Từ đó trong chăn nuôi anh tập trung nuôi trâu đàn, nuôi vịt, lợn và nuôi cá, làm trang trại. Năm 2010 anh thấy trên thị trường cây đào bán rất chạy. Sau khi đi quan sát thị trường về Hoàng Văn Trà quyết định chuyển 7000m2 đất trong vườn sang trồng đào. Nhưng mấy năm đầu thu hoạch không được nhiều chỉ mỗi năm trên 100 triệu đồng, vì đào hoa không đẹp. Từ đó Hoàng Văn Trà chọn cây hoa đẹp làm giống.
Sau Tết Mậu Tuất năm 2018 chúng tôi về xã Cổ Đạm đến thăm trang trại ông Hoàng Văn Trà. Mới đến đầu ngõ ai cũng thích phía trước nhà là một hệ thống ao, từng đàn cá rô phi bơi lượn dưới nắng Xuân, thỉnh thoảng các chú cá chép nhảy tung mình lên khỏi mặt nước. Vườn đào còn trên 200 cây chuẩn bị cho mùa năm sau. Ông đang trồng hơn 200 cây chuẩn bị các năm tiếp theo. Ông được gọi là ông “ tổ” trồng đào ở Xuân Sơn. Hội trồng đào ở Xuân Sơn có trên 13 hộ do ông làm Hội trưởng. Mỗi năm vào dịp gần Tết khách mọi nơi về đây mua đào nhộn nhịp. Xuân Sơn có thêm tên mới là Làng Đào. Đào Xuân Sơn đẹp được khách rất ưa chuộng. Nay Xuân Sơn có thêm nghề trồng đào. Cây đào là một cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều gia đình.
Ông Hoàng Văn Trà hiện nay có 15 con trâu sinh sản. Mỗi năm sinh được 10-15 con trâu nghé. Trung bình mỗi năm thu nhập từ tiền bán trâu 100- 120 triệu đồng, chăn nuôi cá 50 triệu đồng, chăn nuôi lợn 40 triệu đồng. Năm 2001 ông nhận 200 ha đất núi đồi trọc, đến năm 2014 trồng phủ xanh xong. Từ năm 2014 đến nay hưởng tiền bảo vệ, chăm sóc mỗi năm 240.000 đồng/ha. Ông có một trang trại 5ha vườn đồi trồng cây ăn quả nay đã cho thu hoạch. Tết năm nay ông bán đào được 250 triệu đồng.
Hoàng Văn Trà luôn là một CCB, hội viên Hội NCT gương mẫu thường xuyên được tỉnh và huyện mời đi báo cáo kinh nghiệm làm ăn. Nay với tuổi 64 mái đầu tóc đã điểm bạc ông vẫn say sưa, miệt mài làm việc. Có khi ông làm quên cả ăn. Chúng tôi hỏi ông bí quyết dẫn đến thành công. Ông nói rất ngắn gọn: “ Tôi không được học hành như những người khác, nhưng phải quyết chí, mỗi lần thất bại, tìm ra bài học để đi đến thành công”. Chúng tôi thiết nghĩ bài học kinh nghiệm của ông Trà, nhiều người nên lấy đó mà học tập để làm giàu.
Hải Hưng – Nguyễn Thị Tuyến