Tổ tư vấn hướng dẫn gia đình anh Kso Van, làng Krái, thị trấn Phú Hòa kỹ thuật chăm sóc cây bơ và sầu riêng.
Xuất phát từ thực trạng cây ăn quả như bơ, sầu riêng của một số hội viên CCB huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai kém chất lượng, hiệu quả kinh tế thấp. Tháng 9-2018, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CCB) Sản xuất kinh doanh giỏi của huyện đề xuất với Thường trực Hội CCB huyện thành lập Tổ Tư vấn kỹ thuật ghép cây ăn quả chất lượng cao.
Tổ tư vấn gồm 5 người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, với nhiệm vụ khảo sát, nắm thực tế tình hình vườn cây ăn quả của hội viên trên địa bàn; tuyên truyền tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên các loại cây ăn quả; thông tin tuyên truyên tư vấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả kém chất lượng; trực tiếp ghép và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật ghép, chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây trước, trong và sau khi ghép.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm CLB CCB Nguyễn Duy Cường cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Tổ Tư vấn tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Trung tâm Khuyến nông huyện và một số doanh nghiệp tổ chức. Tìm đọc, nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn, trao đổi, tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin về kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Chuẩn bị dụng cụ, vật dụng phục vụ cho công việc. Năm 2019, Tổ tổ chức ghép giống bơ 034, bơ Boot, sầu riêng Thái Lan chất lượng cao, thay thế giống bơ, sầu riêng kém chất lượng cho hơn 30 hộ hội viên CCB tại thị trấn Phú Hòa và xã Nghĩa Hòa với số lượng hơn 100 cây. Tỷ lệ ghép sống đạt 90%; trong đó 30 cây bơ đã cho thu quả chất lượng không thua kém cây "mẹ"; hơn 50 cây sầu riêng các bo ghép phát triển tốt... Tổ cũng phối hợp tặng 19 hộ hội viên CCB nghèo 38 cây giống sầu riêng Thái Lan; tư vấn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên các loại cây ăn quả cho 43 hộ làng Krái, thị trấn Phú Hòa và nhiều hộ hội viên CCB, nhân dân trên địa bàn...
CCB Kso Van, ở làng Krái, thị trấn Phú Hòa có 1.7ha trồng xem canh cây cà phê và cây ăn quả. Hiện, anh đang trồng hơn 50 cây bơ Boot và hơn 20 cây sầu riêng. CCB Kso Van cho biết: “Trước đây, tôi chỉ làm theo kinh nghiệm, thấy hàng xóm xung quanh làm thì mình làm theo nên quả không nhiều, cây lại hay gặp sâu bệnh rồi chết. Nhưng từ khi được CLB giúp đỡ, hướng dẫn cách ghép cây sầu riêng, cây bơ và cách chăm sóc như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, đưa kỹ thuật vào trồng cây… thì cây trong rẫy của gia đình đỡ bị sâu bệnh, cây ghép đang phát triển tốt, hơn 20 cây sầu riêng đang bắt đầu cho ra bói…”.
Dẫn chúng tôi vào thăm vườn sầu riêng được CLB ghép của gia đình anh Rơ Châm Thưng, ở làng Krái, thị trấn Phú Hòa, anh Nguyễn Duy Cường vừa kiểm tra mắt vừa ghép vừa nói: Quy trình, kỹ thuật và chuẩn bị tiến hành ghép cây ăn quả chất lượng cao cần chú ý: Chọn cây “mẹ” để lấy bo ghép phải là cây khỏe tán xum xuê, giống chuẩn, quả ngon, số lượng, chất lượng quả ổn định 3 năm trở lên. Chọn những cành khỏe đường kính từ 3-5mm, không bị sâu bệnh, không bị che nắng và đã sưng mắt ngủ. Không bón phân 60 ngày trước khi cắt cành lấy mắt ghép; thời điểm ghép từ tháng 5-10 hằng năm. Dao kéo trước khi dùng cắt ghép phải được sát khuẩn bằng cồn 70 hoặc 90 độ. Tùy tuổi và khả năng của cây có thể ghép từ 10-30 mắt, mầm ghép. Thường xuyên kiểm tra mắt ghép, che mát cho cây tránh ánh nắng trực tiếp, không bón phân 60 ngày sau khi ghép...
Thời gian tới, CLB chuyển giao kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho các hội viên là người địa phương làm nòng cốt ghép và chăm sóc cây trồng để hội viên có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Có vấn đề gì khúc mắc, Tổ tư vấn sẽ đến tận nơi hướng dẫn cho hội viên.
Tuy kết quả thực hiện mô hình mới chỉ là bước đầu, nhưng khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho vườn cây ăn quả; thúc đẩy phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh của hội viên CCB ở vùng đất khó.
Duy Cường - Vũ Minh