Lợi dụng dự án phá đồi, bán đất công khai?
Từ trước năm 2002, khi xã Cao Minh và xã Ngọc Thanh còn thuộc địa giới hành chính huyện Mê Linh (cũ) liên tục xảy ra tranh chấp địa giới hành chính giữa hai xã. Nhân cơ hội đó, một bộ phận người dân tranh thủ lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích - nhất là việc cấp đất trái phép trong khu vực núi Thằn Lằn. Khi đó UBND huyện Mê Linh đã giao cơ quan chức năng và chính quyền hai xã xử lý, ngăn chặn các sai phạm về Luật Đất đai trong khu vực này. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tại khu vực đuôi núi Thằn Lằn thuộc thôn Cao Quang, xã Cao Minh, các vi phạm về đất đai vẫn diễn ra - nhất là việc san ủi, trồng cây trong khu vực này.
Khi thành lập thị xã Phúc Yên, xã Cao Minh tách theo về; UBND thị xã Phúc Yên tiếp tục rà soát lại công tác quản lý đất đai trên địa bàn, cho thấy những vi phạm trong sử dụng đất đai diễn biến hết sức phức tạp.
Tại Văn bản số 71, ngày 28-2-2007 của UBND thị xã Phúc Yên báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về những vi phạm trong quản lý đất đai tại xã Cao Minh, thì trước khi chia tách địa giới hành chính (năm 2002), ông Hoàng Văn Viện đã có đơn xin hạ cốt đất khu vực đồi Phượng Hoàng (nằm trong dãy núi Thằn Lằn). Sau này, xã Cao Minh nhập về thị xã Phúc Yên, ông Viện tiếp tục có đơn xin hạ cốt đất. Việc khai thác chỉ tạm dừng khi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi thị sát nghiên cứu địa điểm làm trường đua ngựa và có ý kiến giữ nguyên hiện trạng về đất đai để sau còn giao cho dự án. Tuy nhiên, không hiểu ông Viện dựa vào “thế lực” nào, vẫn tiếp tục khai thác đất mang đi nơi khác bán, trong khi UBND thị xã Phúc Yên đã có thông báo cho ông Viện phải dừng việc khai thác?
Trong Văn bản số 71 báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thị xã Phúc Yên kết luận: “Việc mang đất đi nơi khác bán không nằm trong quyết định cho phép của UBND thị xã… Còn việc cấp phép cho ông Viện hạ cốt đất là không trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai, song trình tự, thủ tục chưa đầy đủ và chặt chẽ; giám sát việc thực hiện của ông Viện chưa đến nơi đến chốn”?!
Sai phạm có hệ thống…
Gặp một số người dân thôn Cao Quang, họ nói trong bức xúc về những thủ đoạn của ông Hoàng Văn Viện:
Ngoài việc khai thác đất đồi đem bán, ông Viện còn mua bán đất có nguồn gốc là đất công trái pháp luật hàng nghìn mét vuông; thậm chí ông này còn lấn chiếm, san lấp trái phép đất công, sau đó móc ngoặc với quan chức xã, huyện để tìm cách hợp thức, làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để bán trao tay.
Cụ thể tháng 8-2003, Hoàng Văn Viện mua của bà Nguyễn Thị Thêm, thôn Yên Điềm, xã Cao Minh 4.161,7m2 đất với giá 230 triệu đồng mà không cần qua chính quyền xác nhận.
Cơ quan công an xác định nguồn gốc đất do bà Thêm mua lại của ông Hoàng Văn Ngọc năm 1999, đất do Nhà nước quản lý. Nhưng ông Viện sử dụng những mánh khóe để đạt mục đích; khi cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ địa chính, ông Viện đã nhờ ông Bùi Đức Tuyên, trưởng thôn Cao Quang dẫn đạc quy chủ số diện tích mua bán đưa vào bản đồ. Sau khi diện tích đất công được đưa vào bản đồ đứng tên cá nhân, đến tháng 3-2004, ông Viện liền bán sang tay cho ông Tạ Quang Đải (ở phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên) lấy 420 triệu đồng và hứa chịu trách nhiệm làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Đải. Để thủ tục chuyển nhượng thông suốt, ông Viện móc ngoặc với cán bộ xã Cao Minh, lập ra một giấy sử dụng đất tạm thời ghi ngày 15-12-1992, có nội dung “Đất xây dựng nhà ở và làm kinh tế gia đình”; kèm theo giấy sử dụng tạm thời, “quan xã” và ông Viện còn lập ra Biên bản kiểm tra hiện trạng đất “rởm”, đề ngày 2-11-2006 để hoàn thiện hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ.
Đáng nói sau đó dù hồ sơ trình lên UBND thị xã Phúc Yên “Không có tài liệu chứng minh nguồn gốc đất do xã cấp” nhưng cán bộ Phòng TNMT thị xã lúc đó là ông Phùng Đình Phi vẫn “bỏ lơ”, trình lãnh đạo thị xã ký, cấp GCNQSDĐ cho ông Hoàng Văn Viện.
Theo Kết luận điều tra hình sự số 21/KL-ĐT (PC16) ngày 4-8-2009 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc, thì ông Viện đã dùng thủ đoạn “bôi trơn” quan chức xã, huyện để biến đất công thành đất tư. Và với thủ đoạn như nêu trên, ông Viện còn “mua bán, lấn chiếm và san lấp đất công” ba mảnh khác trên địa bàn xã có diện tích từ 86,3m2 đến hơn 500m2 và đã được hợp thức hóa làm thành GCNQSDĐ chờ bán. Nhưng do bị người dân phát hiện tố cáo tới cơ quan chức năng, những mảnh đất này ông Viện đã không kịp “hóa giá” tư lợi… (xem bài viết: “Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc: Số phận gần 10.000m2 đất công bị treo lơ lửng” đăng trên Báo CCB Việt Nam, số 1033).
Người dân Cao Quang phản ánh với chúng tôi rằng: Hành vi vi phạm pháp Luật Đất đai của ông Hoàng Văn Viện thừa đủ cơ sở bỏ tù ông ta. Thế nhưng Cáo trạng số 27/VKS-P1 ngày 5-10-2009 của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc truy tố các bị can, thì cái tên Hoàng Văn Viện không hề có! Lý do VKS đưa ra cho là “Ông Viện và một số bị cáo khác có hành vi lấn chiếm, mua bán đất trái pháp luật, vi phạm các qui định về sử dụng đất đai, nhưng chưa bị xử lý hành chính về lĩnh vực đất đai nên không cấu thành tội phạm”?!
Tuy nhiên nếu theo Văn bản số 184/HC-UB ngày 9-4-2002 của UBND huyện Mê Linh (cũ) thì các vi phạm đất đai ở các xã Cao Minh, Ngọc Thanh được chỉ ra rất rõ và có những chỉ đạo xử lý vào thời điểm này. Do đó, dư luận và người dân Cao Minh đến nay vẫn còn rất hoài nghi với nhận định của VKS? Họ cho rằng đã bỏ lọt tội phạm. Nói là vậy bởi trong cáo trạng VKS truy tố các bị can, có người dân (trong tổng số 10 bị can bị truy tố) đã làm những việc giống như ông Viện đã làm (lấn chiếm, mua bán bất hợp pháp đất công - PV) thì lại bị bỏ tù. Và điều đáng nói hơn, mấy năm gần đây không biết bằng “tài lẻ” nào mà ông Hoàng Văn Viện còn leo lên được chức bí thư chi bộ thôn Cao Quang; thành lập doanh nghiệp và tiếp tục có dấu hiệu vi phạm trong sử dụng đất đai mà người dân đang tố cáo tới chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc…
Những vấn đề không bình thường trong quản lý tài nguyên đất đai ở Vĩnh Phúc chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra truyền tải tới bạn đọc.
Bài và ảnh: Doanh Chính