Không chỉ khiến dòng chảy bị thu hẹp, rác và phế thải đổ ven bờ hằng ngày còn là nguyên nhân khiến nước sông thêm phần ô nhiễm.

Từ nhiều năm nay, khi lưu thông bằng xe gắn máy từ huyện Đông Anh qua cầu Thăng Long, sang khu vực nội thành Hà Nội, tôi quan sát thấy ngay phía dưới chân mố cầu (khu vực thuộc địa bàn xã Võng La, huyện Đông Anh, T.P Hà Nội), có rất nhiều phế thải xây dựng, cũng như các loại rác thải sinh hoạt được người dân mang ra vứt, đổ ngay sát mép nước ven sông Hồng. Vài hộ dân họ còn đào các rãnh sâu, đắp bờ đập khoanh vùng sau đó đổ rác, phế thải vào bên trong.

Trò chuyện với một số người dân sinh sống quanh khu vực đó, chúng tôi được họ cho biết, việc các hộ dân mang rác, phế thải ra đổ ở ven sông là có “mục đích kép”, nghĩa là vừa tống táng được rác, phế thải, lại vừa cạp, lấn sông để mai mốt khi rác, phế thải đầy lên rồi và nghiễm nhiên gia đình các hộ này sẽ có một vuông đất giá trị nằm sát sông… Họ còn cho biết, cách đây khoảng hơn 10 năm, mép sông còn ở tận tít phía trong, cả vài chục mét; thế nhưng sau một thời gian và bằng việc một số hộ dân cạp, lấn sông để mở rộng diện tích đất ở, đất canh tác của mình khiến cho lòng sông cứ hẹp dần lại như hiện tại. Nếu như việc lấn, cạp sông không bị ngăn chặn thì tương lai lòng sông sẽ còn bị thu hẹp nhiều nữa…(?!)

Theo như tôi biết thì việc các hộ dân sinh sống tại ven các dòng sông trồng tre, trồng các loại cây có tác dụng che chắn sóng, chống sạt lở đất là được khuyến khích. Thế nhưng, việc người dân mang đổ rác, phế thải xây dựng để cạp, lấn sông là không nên một chút nào, bởi ngoài việc làm thu hẹp dòng chảy, thì phế thải, nhất là rác thải sinh hoạt chảy xuống còn khiến cho nguồn nước sông vốn đã bị ô nhiễm ngày một thêm trầm trọng hơn.

Từ thực trạng trên, rất mong cơ quan chức năng, chính quyền địa bàn xã Võng La, cũng như huyện Đông Anh, Hà Nội, cần sớm ngăn chặn việc người dân dùng rác, phế thải để cạp, lấn sông; cũng như có biện pháp xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Loan